Quy định về tiếp nhận và nhận định người bệnh của hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện?
Tiếp nhận và nhận định người bệnh của hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 31/2021/TT-BYT quy định tiếp nhận và nhận định người bệnh như sau:
- Tiếp nhận, phân loại, sàng lọc và cấp cứu ban đầu:
+ Tiếp nhận, phối hợp với bác sỹ trong phân loại, sàng lọc và cấp cứu người bệnh ban đầu; sắp xếp người bệnh khám bệnh theo thứ tự ưu tiên của tình trạng bệnh lý, của đối tượng (người cao tuổi, thương binh, phụ nữ có thai, trẻ em và các đối tượng chính sách khác) và theo thứ tự đến khám; hướng dẫn hoặc hỗ trợ người bệnh thực hiện khám bệnh và các kỹ thuật cận lâm sàng theo chỉ định của bác sỹ cho người bệnh đến khám bệnh;
+ Tiếp nhận, hỗ trợ các thủ tục và sắp xếp người bệnh vào điều trị nội trú.
- Nhận định lâm sàng:
+ Khám, nhận định tình trạng sức khỏe hiện tại và nhu cầu cơ bản của mỗi người bệnh;
+ Xác định các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh;
+ Xác định chẩn đoán điều dưỡng, ưu tiên các chẩn đoán điều dưỡng tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh;
+ Phân cấp chăm sóc người bệnh trên cơ sở nhận định tình trạng sức khỏe người bệnh của điều dưỡng và đánh giá về mức độ nguy kịch, tiên lượng bệnh của bác sỹ để phối hợp với bác sỹ phân cấp chăm sóc người bệnh;
+ Dự báo các yếu tố ảnh hưởng và sự cố y khoa có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc người bệnh.
Quy định về tiếp nhận và nhận định người bệnh của hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện? (Hình từ Internet)
Đánh giá kết quả thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng trong bệnh viện như thế nào?
Theo Điều 7 Thông tư 31/2021/TT-BYT quy định đánh giá kết quả thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng như sau:
- Đánh giá các đáp ứng của người bệnh và hiệu quả của các can thiệp chăm sóc điều dưỡng theo mục tiêu, kết quả chăm sóc theo nguyên tắc liên tục, chính xác và toàn diện về tình trạng đáp ứng của mỗi người bệnh.
- Điều chỉnh kịp thời các can thiệp chăm sóc điều dưỡng dựa trên kết quả đánh giá và nhận định lại tình trạng người bệnh trong phạm vi chuyên môn của điều dưỡng.
- Trao đổi với các thành viên liên quan về các vấn đề ưu tiên, mục tiêu chăm sóc mong đợi và điều chỉnh các can thiệp chăm sóc điều dưỡng theo khả năng đáp ứng của người bệnh.
- Tham gia vào quá trình cải thiện nâng cao chất lượng can thiệp chăm sóc điều dưỡng dựa trên kết quả đánh giá.
Hệ thống điều dưỡng trong bệnh viện gồm những gì?
Tại Điều 8 Thông tư 31/2021/TT-BYT quy định hệ thống điều dưỡng trong bệnh viện như sau:
1. Hội đồng điều dưỡng;
2. Phòng điều dưỡng;
3. Điều dưỡng khoa.
Như vậy, Hệ thống điều dưỡng trong bệnh viện gồm Hội đồng điều dưỡng; Phòng điều dưỡng; Điều dưỡng khoa.
Tổ chức, nhiệm vụ của Hội đồng điều dưỡng trong bệnh viện như thế nào?
Theo Điều 9 Thông tư 31/2021/TT-BYT quy định tổ chức, nhiệm vụ của Hội đồng điều dưỡng như sau:
- Hội đồng điều dưỡng do giám đốc bệnh viện ra quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quy chế hoạt động.
- Cơ cấu, thành phần của Hội đồng:
+ Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo bệnh viện;
+ Phó chủ tịch Hội đồng:
++ Phó chủ tịch Hội đồng là phó trưởng phòng điều dưỡng và điều dưỡng trong phòng điều dưỡng;
++ Phó chủ tịch Hội đồng thường trực là trưởng phòng điều dưỡng.
+ Thành viên Hội đồng là điều dưỡng trưởng khoa, hộ sinh trưởng khoa, kỹ thuật y trưởng khoa và đại diện lãnh đạo một số khoa lâm sàng, cận lâm sàng, phòng chức năng; bảo đảm trên 50% thành viên hội đồng là điều dưỡng, hộ sinh.
- Nhiệm vụ:
+ Tham mưu cho giám đốc bệnh viện về chiến lược, định hướng, kế hoạch phát triển hoạt động điều dưỡng, hộ sinh hộ lý trợ giúp chăm sóc hằng năm và định kì;
+ Tham mưu cho giám đốc bệnh viện trong việc sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định, hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật, tài liệu chuyên môn cho điều dưỡng, hộ sinh, hộ lý trợ giúp chăm sóc phù hợp với sự phát triển chung của bệnh viện, của từng chuyên khoa.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh