Có được hưởng tiền công cứu hộ khi bên cứu hộ có thực hiện cứu tàu biển nhưng không thành công hay không?
Bên cứu hộ có thực hiện cứu tàu biển nhưng không thành công thì có được hưởng tiền công cứu hộ không?
Theo quy định Điều 264 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định về cứu hộ hàng hải như sau:
Cứu hộ hàng hải
1. Cứu hộ hàng hải là hành động cứu tàu biển hoặc các tài sản trên tàu biển thoát khỏi nguy hiểm hoặc hành động cứu trợ tàu biển đang bị nguy hiểm trên biển, trong vùng nước cảng biển, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cứu hộ hàng hải.
2. Hợp đồng cứu hộ hàng hải là hợp đồng được giao kết giữa người cứu hộ và người được cứu hộ về việc thực hiện cứu hộ. Thuyền trưởng của tàu biển bị nạn được thay mặt chủ tàu giao kết hợp đồng cứu hộ. Thuyền trưởng hoặc chủ tàu của tàu biển bị nạn được thay mặt chủ tài sản chở trên tàu giao kết hợp đồng cứu hộ tài sản đó.
3. Hợp đồng cứu hộ hàng hải được giao kết bằng hình thức do các bên thỏa thuận.
4. Các bên tham gia hợp đồng cứu hộ hàng hải có quyền yêu cầu hủy bỏ hoặc thay đổi những thỏa thuận không hợp lý trong hợp đồng, nếu các thỏa thuận này được giao kết trong tình trạng nguy cấp và bị tác động bởi tình trạng đó hoặc chứng minh được là bị lừa dối, lợi dụng khi giao kết hoặc khi tiền công cứu hộ quá thấp hoặc quá cao so với thực tế được cung cấp.
Căn cứ Điều 266 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định về quyền hưởng tiền công cứu hộ như sau:
Quyền hưởng tiền công cứu hộ
1. Mọi hành động cứu hộ hàng hải mang lại kết quả có ích đều được hưởng tiền công cứu hộ hợp lý.
2. Tiền công cứu hộ bao gồm tiền trả công cứu hộ, chi phí cứu hộ, chi phí vận chuyển, bảo quản tàu biển hoặc tài sản được cứu hộ và tiền thưởng công cứu hộ.
3. Tiền công cứu hộ được trả cả trong trường hợp người cứu hộ có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp giúp người được cứu hộ bảo vệ các quyền lợi liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý; cứu hộ tàu biển thuộc cùng một chủ tàu.
4. Hành động cứu hộ trái với sự chỉ định rõ ràng và hợp lý của thuyền trưởng tàu biển được cứu thì không được trả tiền công cứu hộ.
Theo đó, cứu hộ hàng hải sẽ dựa trên cơ sở hợp đồng để cứu tàu biển, hàng hoá trên tàu biển. Mọi hành động cứu hộ mang lại kết quả để được hưởng tiền công cho dù không cứu được tàu biển, hàng hoá trên tàu biển.
Trong trường hợp mà hành động cứu hộ trái với sự hướng dẫn rõ ràng và hợp lý của thuyền trưởng tàu biển thì không được trả tiền công cứu hộ. Như vậy, trường hợp bên cứu hộ có thực hiện cứu tàu biển nhưng không thành công thì vẫn được hưởng tiền công cứu hộ nếu hành động, chi phí cứu hộ là hợp lý.
Có được hưởng tiền công cứu hộ khi bên cứu hộ có thực hiện cứu tàu biển nhưng không thành công hay không? (Hình từ Internet)
Tiền công cứu hộ có được thoả thuận vượt giá tàu biển và tài sản trên tàu hay không?
Theo Điều 267 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định về nguyên tắc xác định tiền công cứu hộ như sau:
Nguyên tắc xác định tiền công cứu hộ
1. Tiền công cứu hộ được thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải hợp lý và không được vượt quá giá trị của tàu biển hoặc tài sản được cứu hộ.
2. Trong trường hợp tiền công cứu hộ không được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc không hợp lý thì tiền công cứu hộ được xác định trên cơ sở sau đây:
a) Giá trị của tàu biển và tài sản cứu được;
b) Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại ô nhiễm môi trường;
c) Hiệu quả cứu hộ của người cứu hộ;
d) Tính chất và mức độ nguy hiểm của tai nạn;
đ) Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc cứu hộ tàu biển, người và tài sản trên tàu biển;
e) Thời gian, chi phí và các tổn thất liên quan của người cứu hộ;
g) Rủi ro về trách nhiệm và rủi ro khác đối với người cứu hộ hoặc thiết bị cứu hộ;
h) Tính kịp thời của hoạt động cứu hộ do người cứu hộ thực hiện;
i) Tính sẵn sàng, năng lực của tàu và các thiết bị khác sử dụng trong việc cứu hộ;
k) Tính sẵn sàng, hiệu quả và giá trị của các thiết bị cứu hộ.
3. Tiền công cứu hộ có thể bị giảm hoặc không được công nhận, nếu người cứu hộ đã tự gây ra tình trạng phải cứu hộ hoặc có hành động trộm cắp, lừa đảo, gian lận khi thực hiện hợp đồng cứu hộ.
Như vậy, hai bên có thể thoả thuân số tiền công cứu hộ trong hợp đồng nhưng số tiền này phải hợp lý và không được vượt quá giá trị tàu biển, tài sản trên tàu.
Chi phí cứu hộ có được ưu tiên quyền cầm giữ hàng hải hay không?
Tại Điều 42 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định về thứ tự ưu tiên giải quyết các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải như sau:
Thứ tự ưu tiên giải quyết các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải
1. Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải được ưu tiên giải quyết theo thứ tự các khiếu nại quy định tại Điều 41 của Bộ luật này; trường hợp khiếu nại hàng hải về tiền công cứu hộ tàu biển phát sinh sau thời điểm các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải khác thì xếp ưu tiên cao hơn các khiếu nại hàng hải đó.
2. Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải trong cùng một khoản quy định tại Điều 41 của Bộ luật này được xếp ngang nhau; trường hợp khoản tiền phân chia không đủ để thanh toán giá trị của mỗi khiếu nại hàng hải thì được giải quyết theo tỷ lệ giá trị giữa các khiếu nại hàng hải đó.
3. Các khiếu nại hàng hải phát sinh từ cùng một sự kiện được coi là phát sinh trong cùng một thời điểm.
4. Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển liên quan đến chuyến đi cuối cùng được ưu tiên giải quyết trước các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải liên quan đến các chuyến đi khác.
5. Các khiếu nại hàng hải phát sinh từ cùng một hợp đồng lao động liên quan đến nhiều chuyến đi được giải quyết cùng với các khiếu nại hàng hải liên quan đến chuyến đi cuối cùng.
6. Trong trường hợp khiếu nại hàng hải về tiền công cứu hộ quy định tại khoản 4 Điều 41 của Bộ luật này thì khiếu nại hàng hải phát sinh sau được giải quyết trước các khiếu nại hàng hải khác.
Tại Điều 41 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định về khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải như sau:
1. Khiếu nại hàng hải về tiền lương, chi phí hồi hương, chi phí đóng góp bảo hiểm xã hội và các khoản tiền khác phải trả cho thuyền trưởng, sĩ quan và các thuyền viên khác trong thuyền bộ của tàu biển.
2. Khiếu nại hàng hải về tiền bồi thường tính mạng, thương tích và tổn hại khác về sức khỏe con người liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển.
3. Khiếu nại hàng hải về phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải và về phí, lệ phí cảng biển khác.
4. Khiếu nại hàng hải về tiền công cứu hộ tàu biển.
5. Khiếu nại hàng hải về tổn thất và thiệt hại tài sản ngoài hợp đồng liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển.
Theo quy định trên, chi phí cứu hộ liên quan đến tiền công cứu hộ tàu biển sẽ được ưu tiên làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải nhưng phải đảm bảo thứ tự ưu tiên theo Điều 41 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo