Theo quy định, tiệm cầm đồ có được sử dụng xe máy khi đang cầm cố không?
Tiệm cầm đồ có được sử dụng xe máy đang cầm cố hay không?
Tại Điều 313 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ của bên nhận cầm cố như sau:
Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố
1. Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
3. Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Tại Điều 314 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền của bên nhận cầm cố như sau:
Quyền của bên nhận cầm cố
1. Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
2. Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.
4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Căn cứ theo quy định hiện hành, vấn đề này sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp bạn có thỏa thuận với chủ tiệm cầm đồ về việc cho phép họ được sử dụng chiếc xe của bạn thì vấn đề này đúng quy định. Ngược lại, trong trường hợp bạn thỏa thuận với chủ tiệm cầm đồ về việc không cho phép họ được sử dụng chiếc xe của bạn thì việc họ sử dụng chiếc xe của bạn là vi phạm pháp luật.
Theo quy định, tiệm cầm đồ có được sử dụng xe máy khi đang cầm cố không? (Hình từ Internet)
Nếu bên cầm cố không thanh toán tiền phải thanh lý tài sản bảo đảm thì có phải đấu giá tài sản bảo đảm?
Tại Điều 306 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về định giá tài sản bảo đảm như sau:
Định giá tài sản bảo đảm
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm.
Trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản.
2. Việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường.
3. Tổ chức định giá phải bồi thường thiệt hại nếu có hành vi trái pháp luật mà gây thiệt hại cho bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm trong quá trình định giá tài sản bảo đảm.
Theo đó, trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm sẽ được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản.
Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được quy định như thế nào?
Tại Điều 307 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này.
2. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
3. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Như vậy, việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sẽ được thanh toán theo thứ tự ưu tiên.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân