Một người có thể đồng thời là trọng tài viên lao động và thư ký tòa án không?
Trọng tài viên lao động có thể đồng thời là thư ký tòa án không?
Tại Điều 98 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện trọng tài viên lao động như sau:
1. Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, công tâm.
2. Có trình độ đại học trở lên, hiểu biết pháp luật và có ít nhất 05 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
3. Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
4. Được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử làm trọng tài viên lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 185 của Bộ luật Lao động.
5. Không phải là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án.
Theo Điều 7 Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân bao gồm:
1. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án các tòa và tòa chuyên trách; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, vụ, ban và các tòa, tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
2. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án các tòa chuyên trách; Thẩm định Tòa án nhân dân cấp tỉnh; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, phòng, ban và Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
3. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện; Thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện; thư ký tòa án; người làm việc trong tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo đó, nếu bạn muốn trở thành trọng tài viên lao động theo như yêu cầu của gia đình thì bạn không thể đồng thời công tác và làm việc ở vị trí Thư ký tòa án cấp huyện được.
Một người có thể đồng thời là trọng tài viên lao động và thư ký tòa án không? (hình từ Internet)
Đang trong quá trình giải quyết tranh chấp có thể yêu cầu thay đổi trọng tài viên lao động không?
Theo Khoản 3 Điều 102 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về thành lập và hoạt động của Ban trọng tài lao động như sau:
3. Khi Ban trọng tài lao động được thành lập hoặc đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu có bằng chứng rõ ràng về việc trọng tài viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp không vô tư, khách quan, có thể làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của bên tranh chấp thì bên tranh chấp có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động thay đổi trọng tài viên lao động đó.
Như vậy, nếu đang trong quá trình giải quyết tranh chấp mà bên tranh chấp có bằng chứng cho rằng trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp không vô tư, khách quan gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì bên tranh chấp có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động thay đổi trọng tài viên lao động đó.
Trọng tài viên lao động miễn nhiệm khi thuộc trường hợp nào?
Căn cứ Điều 100 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định trọng tài viên lao động miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có đơn xin thôi làm trọng tài viên lao động;
b) Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 98 Nghị định này;
c) Cơ quan đề cử có văn bản đề nghị miễn nhiệm, thay thế trọng tài viên lao động;
d) Có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích các bên hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của trọng tài viên lao động theo quy định của pháp luật;
đ) Có 02 năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.
Với quy định nêu trên, trọng tài viên lao động nếu thuộc một trong những trường hợp này sẽ được miễn nhiệm.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài