Có phải tham gia giảng dạy khi là phó hiệu trưởng trường mầm non không?
Phó hiệu trưởng trường mầm non có phải tham gia giảng dạy không?
Tại Điều 4 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định giờ dạy của giáo viên như sau:
1. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
2. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
3. Đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, mỗi giáo viên dạy đủ số giờ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; trong đó, cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.
4. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.
Như vậy, theo quy định trên bạn là phó hiệu trưởng của trường mầm non thì ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của phó hiệu trưởng thì bạn vẫn phải trực tiếp tham gia giảng dạy cho trẻ và số giờ tham gia giảng dạy trong một tuần là 04 giờ.
Có phải tham gia giảng dạy khi là phó hiệu trưởng trường mầm non không? (Hình từ Internet)
Phó hiệu trưởng trường mầm non kiêm Chủ tịch công đoàn có được giảm định mức tiết dạy không?
Theo Điều 4 Thông tư 08/2016/TT-BGDĐT quy định tổ chức thực hiện như sau:
1. Căn cứ vào hoạt động công đoàn của đơn vị, hiệu trưởng trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt và giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh cùng với Ban chấp hành công đoàn thống nhất phương án bố trí thời gian làm công tác công đoàn một cách linh hoạt, tuy nhiên cần phải đảm bảo định mức quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này.
2. Giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách nếu kiêm nhiệm thêm các chức vụ khác cũng sử dụng chế độ giảm định mức giờ dạy thì chỉ được hưởng một chế độ giảm định mức giờ dạy cao nhất trong số các chức vụ kiêm nhiệm.
3. Trong thời gian nghỉ sinh con, chữa bệnh dài ngày hoặc làm các nhiệm vụ khác do thủ trưởng đơn vị giao thì giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách không được tính giảm định mức giờ dạy theo quy định.
4. Cán bộ quản lý trường học (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm công tác công đoàn không chuyên trách vẫn phải dạy đủ số giờ dạy theo quy định. Nếu thời gian kiêm nhiệm làm công tác công đoàn dẫn đến tổng thời gian làm việc vượt định mức so với quy định thì được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo quy định hiện hành.
5. Tùy theo quy mô trường học, ban chấp hành công đoàn cơ sở và ban giám hiệu thỏa thuận về thời gian tăng thêm so với quy định về giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách.
Do đó, theo quy định trên nếu bạn là phó hiệu trưởng mà có kiêm nhiệm Chủ tịch công đoàn thì vẫn không được giảm định mức tiết dạy, bạn vẫn phải giảng dạy đủ 04 giờ trong 1 tuần.
Nếu thời gian kiêm nhiệm làm công tác công đoàn của bạn làm việc vượt định mức so với quy định thì được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ.
Thời gian làm việc và thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên trường mầm non?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau:
1. Thời gian làm việc trong một năm của giáo viên mầm non là 42 tuần, trong đó:
a) 35 tuần làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ (sau đây gọi chung là dạy trẻ);
b) 04 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;
c) 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);
b) Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định hiện hành.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.
Trên đây là những quy định về thời gian làm việc và thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên trường mầm non.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân