Trường hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định như thế nào?
- 1. Các trường hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
- 2. Điều kiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu?
- 3. Nguyên tắc tổ chức thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
1. Các trường hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
Căn cứ quy định tại Điều 48 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định các trường hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:
1. Các hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định này chỉ áp dụng đối với việc chuyển giao không thanh toán. Việc chuyển giao có thanh toán thực hiện theo các quy định pháp luật về bán toàn bộ doanh nghiệp và chuyển nhượng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
2. Các hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
a) Chuyển giao giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu là việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Chuyển giao một phần vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu đối với một phần vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hình thức này chỉ áp dụng đối với phần vốn hoặc tài sản giữa các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và những trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Việc chuyển giao dự án, công trình đầu tư công từ cơ quan, tổ chức quản lý dự án, công trình đầu tư công về doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về điều chuyển tài sản nhà nước;
d) Việc chuyển giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và tổ chức, doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Điều kiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu?
Căn cứ quy định tại Điều 49 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định về điều kiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu như sau:
Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chuyển giao phù hợp với ngành, lĩnh vực hoặc mục tiêu quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu tiếp nhận chuyển giao.
2. Không thuộc diện giải thể hoặc mất khả năng thanh toán.
3. Thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương. Trường hợp chưa được quy định tại văn bản này, các cơ quan đại diện chủ sở hữu có liên quan đến việc chuyển giao thỏa thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
3. Nguyên tắc tổ chức thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
Căn cứ quy định tại Điều 50 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định về nguyên tắc tổ chức thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:
1. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao nguyên trạng doanh nghiệp.
2. Trường hợp sau khi chuyển giao, nếu số liệu có thay đổi, các bên liên quan phối hợp làm rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý và điều chỉnh lại số liệu chuyển giao chính thức.
3. Số liệu chuyển giao được xác định là số liệu trên báo cáo tài chính năm hoặc quý đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất với thời điểm chuyển giao được lập theo đúng chế độ quy định.
Trường hợp doanh nghiệp chưa có báo cáo tài chính năm hoặc quý đã kiểm toán thì số liệu chuyển giao được xác định là số liệu trên báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất của doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc doanh nghiệp khi nhận chuyển giao có trách nhiệm thuê dịch vụ kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp và điều chỉnh số liệu chuyển giao (nếu có) theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn