Quy định về căn cứ lập kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm như thế nào?
Căn cứ lập kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm là gì?
Tại Điều 8 Nghị định 94/2018/NĐ-CP quy định về căn cứ lập kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm như sau:
- Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn trước.
- Mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công và các cân đối kinh tế vĩ mô theo các Nghị quyết của Quốc hội.
- Quy định pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư công, tiền tệ và tín dụng.
- Quan điểm chỉ đạo định hướng của Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn.
- Tình hình thực hiện các thỏa thuận vay, công cụ nợ hiện hành; nhu cầu sử dụng vốn vay và dự báo tình hình trong nước, nước ngoài có ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn theo các thỏa thuận vay, phát hành công cụ nợ trong thời gian 05 năm kế hoạch.
Trình tự lập kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm thực hiện thế nào?
Tại Điều 9 Nghị định 94/2018/NĐ-CP quy định về trình tự lập kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương, gửi Bộ Tài chính theo quy định của Chính phủ về quản lý nợ của chính quyền địa phương để tổng hợp vào kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan chủ quản thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công đánh giá tình hình quản lý sử dụng nợ công của bộ, cơ quan ngang bộ trong giai đoạn 05 năm trước và dự kiến nhu cầu sử dụng nợ công trong giai đoạn 05 năm sau, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn sau trình Thủ tướng Chính phủ cùng với kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.
- Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn sau để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cùng với kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.
- Căn cứ ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính hoàn chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn sau báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội cùng với kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.
Quy định về căn cứ lập kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm như thế nào? (Hình từ Internet)
Thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm như thế nào?
Tại Điều 10 Nghị định 94/2018/NĐ-CP quy định về thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương, đảm bảo:
+ Tổng mức vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương trong phạm vi kế hoạch được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
+ Bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
- Bộ Tài chính chủ trì theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện vay, trả nợ công 05 năm:
+ Tổng số vay, trả nợ 05 năm trong phạm vi kế hoạch được Quốc hội quyết định;
+ Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các giải pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này;
+ Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm (nếu cần thiết).
- Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi