Thành phần Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng trong thi đua khen thưởng gồm những ai?
- Thành phần Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng trong thi đua khen thưởng gồm những ai?
- Thành phần Hội đồng sáng kiến của đơn vị trong thi đua khen thưởng gồm những ai?
- Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Thi đua khen thưởng và Hội đồng sáng kiến ngành ngân hàng?
- Báo cáo công tác thi đua khen thưởng ngành ngân hàng như thế nào?
- Trách nhiệm của các đơn vị trong công tác thi đua khen thưởng ngành ngân hàng là gì?
Thành phần Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng trong thi đua khen thưởng gồm những ai?
Căn cứ Điều 43 Thông tư 17/2019/TT-NHNN quy định thành phần Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng như sau:
- Chủ tịch: Phó Thống đốc phụ trách công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng.
- Phó Chủ tịch Thường trực: Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng.
- Các Ủy viên và Thư ký do Vụ Thi đua - Khen thưởng đề xuất trình Thống đốc quyết định.
Thành phần Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng trong thi đua khen thưởng gồm những ai? (Hình từ Internet)
Thành phần Hội đồng sáng kiến của đơn vị trong thi đua khen thưởng gồm những ai?
Tại Điều 44 Thông tư 17/2019/TT-NHNN quy định thành phần Hội đồng sáng kiến của đơn vị như sau:
- Chủ tịch: Thủ trưởng đơn vị.
- Phó chủ tịch: Phó Thủ trưởng đơn vị.
- Các Ủy viên và Thư ký do Thủ trưởng đơn vị quyết định.
Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Thi đua khen thưởng và Hội đồng sáng kiến ngành ngân hàng?
Tại Điều 45 Thông tư 17/2019/TT-NHNN quy định nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và Hội đồng sáng kiến như sau:
- Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng thực hiện theo quy chế làm việc do Thống đốc quy định.
- Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và Hội đồng sáng kiến của đơn vị thực hiện theo quy chế làm việc do Thủ trưởng đơn vị quy định.
Báo cáo công tác thi đua khen thưởng ngành ngân hàng như thế nào?
Theo Điều 48 Thông tư 17/2019/TT-NHNN quy định báo cáo công tác thi đua, khen thưởng như sau:
- Kết thúc năm hoạt động, các đơn vị tổng kết, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và gửi báo cáo bằng văn bản về Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) trước ngày 15 tháng 02 năm sau. Đối với Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, gửi báo cáo tổng kết trước 15 tháng 8 hằng năm. Đề cương báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng theo mẫu số 29 kèm theo Thông tư này.
- Khi phát động thi đua, đơn vị có trách nhiệm gửi phát động thi đua và sau mỗi phong trào thi đua, các đơn vị có trách nhiệm gửi báo cáo tổng kết về Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) để theo dõi và làm căn cứ xét khen thưởng.
- Tổ chức tài chính vi mô gửi phát động thi đua và báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn để theo dõi và tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng).
Trách nhiệm của các đơn vị trong công tác thi đua khen thưởng ngành ngân hàng là gì?
Căn cứ Điều 49 Thông tư 17/2019/TT-NHNN quy định trách nhiệm của các đơn vị như sau:
1. Vụ Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm đề xuất Thống đốc quyết định:
a) Tỷ lệ nợ xấu tối đa để xem xét khen thưởng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và cá nhân là Người quản lý, Người điều hành tổ chức tín dụng, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Số lượng Cờ thi đua cụ thể cho từng Khối, Cụm thi đua và các đơn vị;
c) Tỷ lệ khen thưởng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho các đơn vị.
2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin phục vụ công tác xét khen thưởng theo mẫu số 22 kèm theo Thông tư này đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và cá nhân là Người quản lý, Người điều hành tổ chức tín dụng, Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị khen thưởng thuộc thẩm quyền của Thống đốc và khen thưởng cấp Nhà nước.
3. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm cung cấp thông tin phục vụ công tác xét khen thưởng theo mẫu số 22 kèm theo Thông tư này đối với tập thể chi nhánh tổ chức tín dụng và cá nhân là Giám đốc, Phó giám đốc chi nhánh tổ chức tín dụng đề nghị khen thưởng thuộc thẩm quyền của Thống đốc và khen thưởng cấp Nhà nước.
4. Các Vụ, Cục, đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin phục vụ công tác xét khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Khối đào tạo, Cơ quan thường trực các Hiệp hội và các doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quản lý.
5. Vụ Truyền thông có trách nhiệm đăng tải thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng Huân chương các loại, các hạng, danh hiệu vinh dự Nhà nước, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
6. Vụ Tài chính - Kế toán có trách nhiệm phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng trong việc hướng dẫn sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng, chi tiền thưởng theo quy định và tổng hợp số liệu thu, chi gửi Vụ Thi đua - Khen thưởng trước ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12 hằng năm.
7. Thủ trưởng các đơn vị tại Điểm a các Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 3 Thông tư này có trách nhiệm hướng dẫn các quy định về công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh