Bị phạt bao nhiêu tiền nếu vận chuyển hàng nguy hiểm mà không có giấy phép?
Vận chuyển hàng nguy hiểm mà không có giấy phép vận chuyển bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 26 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm quy định về vận chuyển chất gây ô nhiễm môi trường, hàng nguy hiểm như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm quy định về vận chuyển chất gây ô nhiễm môi trường, hàng nguy hiểm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển hàng nguy hiểm mà dừng xe, đỗ xe ở nơi đông người, khu dân cư, công trình quan trọng; không có báo hiệu hàng nguy hiểm theo quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Vận chuyển các chất gây ô nhiễm môi trường không theo đúng quy định về bảo vệ môi trường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm không có giấy phép hoặc có nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều 23 Nghị định này.
3. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này nếu gây ô nhiễm môi trường còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.
Trường hợp bạn vận chuyển xăng dầu thuộc hàng hóa nguy hiểm mà không có giấy phép thì bạn có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đồng thời bạn có thể bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng theo quy định của pháp luật.
Bị phạt bao nhiêu tiền nếu vận chuyển hàng nguy hiểm mà không có giấy phép? (Hình từ Internet)
Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm có cần phải có giấy chứng nhận gì không?
Tại Điều 8 Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển hàng hoá nguy hiểm như sau:
Yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển hàng hoá nguy hiểm
1. Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định.
2. Người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm phải được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn về loại hàng hoá nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho bãi theo quy định.
Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là gì?
Tại Điều 9 Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm như sau:
Yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm
1. Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.
2. Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.
3. Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Việc làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện được thực hiện theo quy trình và ở nơi quy định.
Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định. Thiết bị chuyên dùng phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành. Phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện. Sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Việc làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện được thực hiện theo quy trình và ở nơi quy định.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi