Quy định về mục đích đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ?
- Mục đích đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ được quy định như thế nào?
- Yêu cầu đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ?
- Nội dung và phương pháp đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ là gì?
- Đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học của học viên học Chương trình xóa mù chữ?
Mục đích đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT quy định mục đích đánh giá như sau:
Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình xóa mù chữ; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học viên điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động quản lí giáo dục và dạy học.
Yêu cầu đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ?
Theo Điều 4 Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT quy định yêu cầu đánh giá như sau:
- Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của từng môn học được quy định trong Chương trình xóa mù chữ.
- Đánh giá bảo đảm tính chính xác, công bằng, trung thực và khách quan.
- Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ trong học tập, rèn luyện của học viên; không so sánh học viên với nhau.
Nội dung và phương pháp đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ là gì?
Tại Điều 5 Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT quy định nội dung và phương pháp đánh giá như sau:
- Nội dung đánh giá
+) Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học viên đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học theo Chương trình xóa mù chữ.
+) Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học viên thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi theo quy định Chương trình xóa mù chữ.
- Phương pháp đánh giá
+) Đánh giá bằng nhận xét
++ Giáo viên quan sát học viên trong quá trình giảng dạy trên lớp và ghi chép lại các biểu hiện của học viên để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên;
++ Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học viên, từ đó đánh giá học viên theo từng nội dung đánh giá có liên quan;
++ Giáo viên trao đổi với học viên thông qua việc hỏi đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời;
++ Giáo viên nhận xét qua việc học viên dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét bản thân và tham gia nhận xét học viên khác, nhóm học viên về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập.
+) Đánh giá bằng điểm số: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của Chương trình xóa mù chữ, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.
Đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học của học viên học Chương trình xóa mù chữ?
Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT quy định đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học như sau:
+) Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học viên biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học viên khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.
+) Học viên tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của học viên khác, nhóm học viên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học tập và rèn luyện tốt hơn.
+) Đối với các chuyên đề học tập của môn học thực hiện ở kì học thứ 5 của Chương trình xóa mù chữ, mỗi học viên được đánh giá theo từng chuyên đề học tập, trong đó chọn kết quả của 01 (một) lần đánh giá làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học. Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên của môn học đó để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập các môn học.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh