Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là bao lâu?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
- Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
- Quy định về áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và sử dụng thông số môi trường để xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 45/2022/NĐ-CP thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm.
2. Các hành vi vi phạm đang thực hiện, các hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
a) Các hành vi được quy định tại Điều 9; điểm e, g, h khoản 1, điểm e, g, h khoản 2, điểm e, g, h khoản 3 Điều 11; điểm b, c khoản 1, điểm b, c khoản 2 Điều 13; điểm b, d, e khoản 1, điểm c, d, đ khoản 2, điểm c, d, đ khoản 3, điểm c, d, đ khoản 4 Điều 14; khoản 2, điểm e, g, h khoản 3, điểm e, g, h, i khoản 4, khoản 6 Điều 15 và Điều 38 Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
b) Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 10; điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 11; khoản 1 Điều 32; khoản 1 Điều 33; khoản 1, điểm c khoản 3 Điều 43 Nghị định này là hành vi đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phải công khai thông tin hoặc phải nộp báo cáo định kỳ theo quy định;
c) Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 Nghị định này là hành vi đã kết thúc, thì thời hiệu được tính từ thời điểm lấy mẫu;
d) Các hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này là hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm kết thúc được tính từ lúc thực hiện xong hành vi vi phạm;
đ) Trừ các hành vi được quy định tại điểm a, b, c và d khoản này, các hành vi khác được quy định trong Nghị định này được người có thẩm quyền xử phạt xác định thời hiệu xử phạt theo điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là bao lâu? (Hình từ Internet)
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
1. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ Điều 56 đến Điều 67 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
Trường hợp phạt tăng thêm đối với các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật của cùng mẫu chất thải, thẩm quyền xử phạt được tính theo hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao nhất của mẫu chất thải đó bao gồm cả phạt tăng thêm.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định như trên.
Quy định về áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và sử dụng thông số môi trường để xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
Theo Điều 7 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và sử dụng thông số môi trường để xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng để xác định hành vi vi phạm hành chính và mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khi cá nhân, tổ chức xả, thải chất thải vào môi trường; trường hợp có cả quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương thì áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
- Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường là giá trị cao nhất được xác định trên cơ sở lấy kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, kết quả giám định, kiểm định, quan trắc, giám sát, đo đạc, phân tích của một trong các thông số môi trường của mẫu chất thải, mẫu môi trường xung quanh chia cho giá trị tối đa cho phép của thông số đó trong các quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Khi áp dụng hình thức phạt tiền đối với các hành vi xả nước thải (Điều 18 Nghị định 45/2022/NĐ-CP và Điều 19 Nghị định 45/2022/NĐ-CP) hoặc thải bụi, khí thải (Điều 20 Nghị định 45/2022/NĐ-CP và Điều 21 Nghị định 45/2022/NĐ-CP) vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, nếu trong nước thải hoặc bụi, khí thải có cả các thông số môi trường nguy hại, các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật hoặc giá trị pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật thì chọn thông số tương ứng với hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao nhất của mẫu nước thải hoặc bụi, khí thải để xử phạt; trường hợp có mức phạt bằng nhau thì thông số nguy hại là thông số để xác định hành vi vi phạm.
Các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật còn lại của cùng mẫu chất thải đó sẽ bị phạt tăng thêm từ 10% đến 50% mức phạt tiền của hành vi vi phạm đã chọn đối với mỗi thông số môi trường đó nhưng tổng mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm không vượt quá mức phạt tiền tối đa.
Trường hợp một cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có nhiều điểm xả nước thải hoặc nhiều điểm thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường bị xử phạt đối với hành vi vi phạm theo từng điểm xả, thải đó.
- Thải lượng nước thải quy định tại Điều 18 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, Điều 19 Nghị định 45/2022/NĐ-CP là tổng khối lượng nước thải xả ra môi trường tính trong một ngày (24 giờ).
Trường hợp không xác định được thải lượng nước thải thì thải lượng được tính theo lưu lượng nước thải tại thời điểm lấy mẫu nhân với 24 giờ.
Trường hợp xả nước thải vào môi trường đất, nước dưới đất, nước mặt (ao, hồ, hố,... trong khuôn viên của cơ sở) khi tính số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, giá trị nguồn tiếp nhận Kq được tính bằng 0,6 theo quy chuẩn kỹ thuật đó; nếu quy chuẩn kỹ thuật về chất thải không áp dụng giá trị nguồn tiếp nhận Kq mà tính theo phân vùng môi trường thì giá trị giới hạn của thông số ô nhiễm được áp dụng theo vùng môi trường bảo vệ nghiêm ngặt.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn