Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cần có vốn được cấp là bao nhiêu?
Vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài có thành lập chi nhánh tại Việt Nam và vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam như sau:
Vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài có thành lập chi nhánh tại Việt Nam và vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
1. Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất với thời điểm đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh tối thiểu tương đương 500.000 (năm trăm nghìn) đô la Mỹ.
2. Vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không thấp hơn mức vốn pháp định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn quy định tại Điều 5 Nghị định này.
3. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán và vốn được cấp của chi nhánh tại Việt Nam không thấp hơn vốn quy định tại Khoản 1 Điều này. Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài và của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thấp hơn các mức vốn quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Tại Điều 5 Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định vốn pháp định đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn như sau:
Vốn pháp định đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn
1. Vốn pháp định đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn là 3 (ba) tỷ đồng Việt Nam; từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, vốn pháp định là 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam.
2. Trong quá trình hoạt động, công ty trách nhiệm hữu hạn phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại Khoản 1 Điều này. Doanh nghiệp kiểm toán phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Như vậy, vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không thấp 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam.
Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có được kiểm toán cho doanh nghiệp đối tác trong hợp đồng không?
Theo Điều 9 Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán như sau:
Các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán
Các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán quy định tại Điều 30 của Luật kiểm toán độc lập được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề một trong các dịch vụ sau cho đơn vị được kiểm toán:
a) Công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính;
b) Thực hiện dịch vụ kiểm toán nội bộ;
c) Thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm soát nội bộ;
d) Các dịch vụ khác có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
2. Thành viên tham gia cuộc kiểm toán, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc đang nắm giữ cổ phiếu, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính khác với đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
3. Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc nắm giữ cổ phiếu, góp vốn và nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên đối với đơn vị được kiểm toán hoặc là người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của đơn vị được kiểm toán.
4. Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của đơn vị được kiểm toán đồng thời là người góp vốn và nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
5. Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán có các mối quan hệ sau:
a) Có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức thành lập hoặc tham gia thành lập;
b) Cùng trực tiếp hay gián tiếp chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức của một bên khác;
c) Được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: Vợ và chồng; bố, mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;
d) Có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng;
đ) Cùng là công ty hoặc pháp nhân thuộc cùng một mạng lưới theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.
6. Đơn vị được kiểm toán đã thực hiện trong năm trước liền kề hoặc đang thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hoặc các dịch vụ kiểm toán khác cho chính doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
7. Đơn vị được kiểm toán là tổ chức góp vốn vào doanh nghiệp kiểm toán; đơn vị được kiểm toán là công ty mẹ, các công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh, đơn vị cấp trên, đơn vị cấp dưới, công ty cùng tập đoàn của tổ chức góp vốn vào doanh nghiệp kiểm toán.
8. Doanh nghiệp kiểm toán tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức vào đơn vị được kiểm toán.
9. Trường hợp khác theo quy định của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và quy định của pháp luật.
Theo đó, Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam hoạt động không được kiểm toán cho doanh nghiệp đối tác có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên hợp đồng.
Mức vốn góp của kiểm toán viên hành nghề thành lập doanh nghiệp kiểm toán là bao nhiêu?
Tại Điều 7 Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định mức vốn góp của kiểm toán viên hành nghề như sau:
Mức vốn góp của kiểm toán viên hành nghề
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán phải có ít nhất 02 (hai) thành viên góp vốn là kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kiểm toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty.
2. Kiểm toán viên hành nghề không được đồng thời là thành viên góp vốn của hai doanh nghiệp kiểm toán trở lên.
Như vậy, vốn góp của các kiểm toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty khi thành lập.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh