Có được đấu thầu bằng hình thức chào hàng cạnh tranh với gói thầu hỗn hợp không?
Có được đấu thầu với gói thầu hỗn hợp bằng hình thức chào hàng cạnh tranh không?
Gói thầu hỗn hợp có được đấu thầu bằng hình thức chào hàng cạnh tranh không? Xin chào Ban biên tập. Tôi muốn hỏi về Luật đấu thầu. Cơ quan tôi có gói thầu xây lắp thiết bị phòng cháy chữa cháy có giá gói thầu dưới 5 tỷ đồng. Gói thầu trên có phải gói thầu hỗn hợp hay không? Có phải gói thầu hỗn hợp thì bắt buộc phải thực hiện đấu thầu rộng rãi hay không? Tôi có thể thực hiện chào hàng cạnh tranh được hay không? Tôi có thể tham khảo thêm nội dung này ở đâu? Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Đối với thắc mắc của bạn, căn cứ quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 thì:
- Gói thầu hỗn hợp là gói thầu bao gồm thiết kế và cung cấp hàng hóa (EP); thiết kế và xây lắp (EC); cung cấp hàng hóa và xây lắp (PC); thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC); lập dự án, thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (chìa khóa trao tay).
Đối chiếu với gói thầu của cơ quan bạn, nếu là gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy thì được xem là một trong những trường hợp của gói thầu hỗn hợp, cụ thể là trường hợp gói thầu bao gồm cung cấp hàng hóa và xây lắp (PC).
- Vấn đề thứ 2, có phải gói thầu hỗn hợp thì có bắt buộc phải thực hiện đấu thầu rộng rãi hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu 2013 thì: Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự. Đấu thầu rộng rãi được áp dụng cho các gói thầu, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Luật này.
- Vấn đề thứ 3, gói thầu của cơ quan bạn có quy mô dưới 5 tỷ đồng có thể thực hiện đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh hay không?
Theo quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu 2013 về chào hàng cạnh tranh thì:
1. Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị trong hạn mức theo quy định của Chính phủ và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
b) Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;
c) Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.
2. Chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
b) Có dự toán được phê duyệt theo quy định;
c) Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.
Theo đó, phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh được hướng dẫn bởi Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
1. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường áp dụng đối với gói thầu quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 05 tỷ đồng.
2. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn áp dụng đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 500 triệu đồng, gói thầu quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 01 tỷ đồng, gói thầu đối với mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.
Như vậy, kết hợp các quy định trên đây, với gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy có quy mô dưới 5 tỷ đồng của cơ quan bạn thì gói thầu này có thể thực hiện đấu thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường như yêu cầu về phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh tại Khoản 1 Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ-CP nêu trên.
Tuy nhiên, bất kể là gói thầu hỗn hợp hay gói thầu dưới hình thức nào khác thì để được áp dụng hình thức thầu chào hàng cạnh tranh, các đơn vị phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán, vốn theo quy định trên đây.
Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm của gói thầu có mức bao nhiêu?
Liên quan đến quy định về chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Cho hỏi: Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm của gói thầu có mức giá bao nhiêu? Mong sớm nhận hồi đáp.
Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, có quy định:
Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển:
Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,03% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng
Như vậy, theo quy định nêu trên thì chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm được tính theo tỷ lệ bằng 0.03 % của gói thầu. Nhưng tối thiểu là 1 triệu và tối đa là 30 triệu đồng.
Gói thầu mua sắm hàng hóa 1 tỷ có được chỉ định thầu rút gọn không?
Cho mình hỏi, bên mình sắp sửa chuẩn bị gói thầu mua sắm hàng hóa dưới 1 tỷ thì có được chỉ định thầu rút gọn hay không?
Trả lời:
Theo Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về quy trình chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu sau:
- Đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước;
- Đối với gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 54 của Nghị định này;
Dẫn chiếu, tại Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP có quy định về gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:
1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì đối với gói thầu mua sắm hàng hóa không quá 01 tỷ đồng có thể được chỉ định thầu rút gọn. Anh căn cứ quy định trên để thực hiện đúng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài