Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào về sở hữu trí tuệ?
- Về sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?
- Về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?
- Về ứng dụng và bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?
Về sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?
Tại Khoản 9 Điều 3 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 38/2022/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh có quy định như sau:
- Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ do Chính phủ phê duyệt theo giai đoạn, các nhiệm vụ, chương trình thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong phạm vi thẩm quyền được giao; thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động sở hữu công nghiệp; hướng dẫn nghiệp vụ sở hữu công nghiệp đối với các tổ chức và cá nhân; quản lý, xây dựng, phát triển nhãn hiệu sử dụng địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm Thành phố; quản lý chỉ dẫn địa lý khi được giao quyền;
- Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục về sở hữu công nghiệp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp;
- Chủ trì triển khai các biện pháp để phổ biến, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng chế, sáng kiến, sáng tạo tại Thành phố; tổ chức xét chấp thuận việc công nhận sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật theo quy định của pháp luật;
- Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đối với các lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật và phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào về sở hữu trí tuệ? (Hình từ Internet)
Về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?
Tại Khoản 10 Điều 3 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 38/2022/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh có quy định như sau:
- Tổ chức việc xây dựng và tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương;
- Tổ chức phổ biến áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, áp dụng phương thức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trên địa bàn Thành phố; tổ chức thực hiện việc khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Thành phố; cảnh báo về nguy cơ mất an toàn của sản phẩm hàng hóa cho người tiêu dùng và các cơ quan hữu quan tại Thành phố;
- Tổ chức, quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình và môi trường theo phân công, phân cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tiếp nhận bản công bố họp chuẩn của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Thành phố; tiếp nhận bản công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2) thuộc phạm vi quản lý; tiếp nhận bản đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực được phân công; tư vấn đăng ký mã số mã vạch theo phân công, phân cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại Thành phố;
- Thực hiện nhiệm vụ thông báo vào hỏi đáp về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là TBT) trên địa bàn Thành phố; phối hợp với Điểm TBT quốc gia trong xử lý thông tin hỏi đáp, rà soát các văn bản, dự thảo biện pháp TBT của Thành phố và tuyên truyền phổ biến về TBT cho doanh nghiệp để hỗ trợ xuất khẩu tại Thành phố;
- Là đầu mối triển khai các nhiệm vụ, chương trình thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc phạm vi thẩm quyền tại Thành phố; tổ chức mạng lưới kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đáp ứng yêu cầu của Thành phố; tổ chức thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trong các lĩnh vực và phạm vi đã đăng ký, được chỉ định;
- Tiếp nhận bản công bố, bản điều chỉnh nội dung bản công bố sử dụng dấu định lượng; công bố sử dụng dấu định lượng và điều chỉnh nội dung bản công bố sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức thực hiện việc kiểm tra về đo lường đối với chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa: tổ chức thực hiện việc thiết lập, duy trì, bảo quản, sử dụng các chuẩn đo lường của Thành phố;
- Tổ chức thực hiện việc thử nghiệm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố và nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch theo phân công, phân cấp hoặc ủy quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức thực hiện việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại Thành phố theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp tham dự giải thưởng chất lượng quốc gia, quốc tế; xem xét, đánh giá các tổ chức, doanh nghiệp tham dự giải thưởng chất lượng quốc gia trên địa bàn Thành phố theo quy định;
- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; là đầu mối triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đề án về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa lại Thành phố;
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Về ứng dụng và bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?
Tại Khoản 11 Điều 3 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 38/2022/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh có quy định như sau:
- Tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án và các biện pháp để thúc đẩy ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
- Quản lý các hoạt động quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn Thành phố; phối hợp quản lý các hoạt động phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử theo quy định;
- Quản lý các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn Thành phố;
- Quản lý và thực hiện việc tiếp nhận khai báo, thẩm định an toàn, cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế; cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X-quang chẩn đoán trong y tế hoạt động trên địa bàn Thành phố theo sự phân công, phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc địa bàn Thành phố quản lý và xử lý đối với các vi phạm theo thẩm quyền;
- Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân Thành phố trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt; xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn Thành phố theo sự phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố; tiếp nhận, thông báo và phối hợp với các cơ quan có liên quan xác minh thông tin và tổ chức tìm kiếm, xử lý đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát;
- Chủ trì và phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ thu gom chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ phát hiện trên địa bàn Thành phố quản lý mà không xác định được chủ sở hữu; phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thẩm định cấp phép và quản lý các nguồn phóng xạ tại địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố quản lý các biện pháp quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh khi phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát an toàn, an ninh bức xạ và hạt nhân tại Thành phố và tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân