Có thể hưởng đồng thời chế độ tai nạn lao động và chế độ ốm đau hay không?
Có thể hưởng đồng thời chế độ tai nạn lao động và chế độ ốm đau hay không?
Căn cứ Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Và theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn như sau:
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:
a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Để hưởng chế độ ốm đau, tai nạn thì người lao động không phải là tai nạn lao động. Ngược lại, để được hưởng chế độ tai nạn lao động thì người lao động không thuộc trường hợp bị ốm đau, tai nạn. Nên không thể hưởng đồng thời chế độ tai nạn lao động và chế độ ốm đau.
Có thể hưởng đồng thời chế độ tai nạn lao động và chế độ ốm đau hay không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động hay bên thuê lại lao động có trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động cho người lao động?
Căn cứ theo Điều 55 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng cho thuê lại lao động như sau:
Hợp đồng cho thuê lại lao động
1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;
b) Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;
c) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
d) Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
3. Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động.
Trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tại nạn lao động sẽ do bên cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động thỏa thuận với nhau và sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng cho thuê lại lao động. Do đó, khi người lao động được thuê lại xảy ra tai nạn lao động tại nơi làm việc của công ty thì trách nhiệm bồi thường sẽ được xác định theo quy định cụ thể trong hợp đồng cho thuê lại lao động.
Người sử dụng lao động lập hồ sơ hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động gồm gì?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định về hồ sơ bồi thường, trợ cấp như sau:
1. Đối với người lao động được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ gồm các tài liệu sau:
a) Biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, cấp tỉnh, hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương.
b) Biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn lao động) hoặc biên bản xác định người lao động bị chết của cơ quan pháp y hoặc tuyên bố chết của tòa án đối với những trường hợp mất tích.
c) Quyết định bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động của người sử dụng lao động (theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này).
d) Văn bản xác nhận bị tai nạn trên đường đi và về (nếu có), đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 5 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Nội dung văn bản xác nhận tham khảo theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ gồm biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản giám định y khoa và Quyết định bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo