Có được mua bình xịt hơi cay để tự phòng thân không?
Có được mua bình xịt hơi cay để tự phòng thân không?
Bình xịt hơi cay là một trong những phương tiện xịt hơi cay được quy định là công cụ hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 10 Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ trong đó:
- Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
…
Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
…
Như vậy, theo quy định thì cá nhân không được sở hữu công cụ hỗ trợ và cũng không được phép mua bán công cụ hỗ trợ. Vậy nên bạn không nên mua bình xịt hơi cay để phòng thân.
Có được mua bình xịt hơi cay để tự phòng thân không? (Hình từ Internet)
Mang theo côn nhị khúc phòng thân có được không?
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về vũ khí thô sơ như sau:
- Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu
Mặt khác căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định:
...
2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Căn cứ quy định của pháp luật thì hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Côn nhị khúc thuộc một trong các vũ khí thô sơ. Do đó, bạn không được phép mang côn nhị khúc trong người, trong cặp, giấu trong cốp xe…
Công dân có được mang dao bấm để phòng thân?
Tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 quy định: "Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu."
Tại khoản 1 Điều 28 Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 quy định đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ bao gồm:
- Quân đội nhân dân;
- Dân quân tự vệ;
- Cảnh sát biển;
- Công an nhân dân;
- Cơ yếu;
- Kiểm lâm, Kiểm ngư;
- An ninh hàng không;
- Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;
- Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
- Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.
Căn cứ theo quy định trên, bạn không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ. Việc bạn mang theo dao bấm để phòng thân là hành vi vi phạm pháp luật.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi