Phạm tội tham ô tài sản có bị kết án tử hình không?

Chào ban biên tập, thời gian qua cơ quan Công an bắt nhiều người trong bộ máy nhà nước về tội tham ô tài sản. Ban biên tập cho tôi hỏi, phạm tội tham ô tài sản có bị kết án tử hình không? Tham ô tài sản có giá trị bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Phạm tội tham ô tài sản có bị kết án tử hình không?

Tại khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội tham ô tài sản như sau:

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Tuy nhiên, tại Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tử hình như sau:

1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Theo quy định thì người nào phạm tội tham ô tài sản thì có thể bị tử hình. Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội sau khi kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì người đó được chuyển hình phạt từ từ hình xuống chung thân.

Tham ô tài sản (Hình từ Internet)

Tham ô tài sản có giá trị bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tại khoản 1 Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội tham ô tài sản như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Người nào có hành vi tham ô tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng mà đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tham ô tài sản bị xử phạt hành chính trong những trường hợp nào?

Tại Điều 12 Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định về hành vi chiếm đoạt tài sản công như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi chiếm đoạt tài sản công mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp chiếm đoạt trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra để trả lại tổ chức; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt. Việc xác định số tiền thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định này.

Nếu có hành vi tham ô tài sản nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự như các trường hợp nêu trên thì sẽ bị phạt tiền thấp nhất từ 1.000.000 đồng và cao nhất là 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và phải khắc phục hậu quả gây ra.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tham ô tài sản

Nguyễn Hữu Vi

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào