Đấu giá viên cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề của mình bị phạt bao nhiêu tiền?
Đấu giá viên cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề của mình bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại điểm a khoản 1 Điều 9 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định nghiêm cấm đấu giá viên thực hiện các hành vi sau đây:
a) Cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình;
Theo khoản 4, điểm a khoản 8 và điểm d khoản 9 Điều 22 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định của đấu giá viên như sau:
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá, thẻ đấu giá viên để hành nghề đấu giá.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ và g khoản 3 và khoản 4 Điều này;
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 2, các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.
Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo quy định trên đấu giá viên cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề của mình là một hành vi bị nghiêm cấm, nếu bạn cho em gái bạn mượn chứng chỉ hành nghề đấu giá là bạn vi phạm luật. Bạn sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đấy.
Ngoài ra, bạn sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 03 tháng đến 06 tháng và buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có từ việc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề của mình.
Đấu giá viên bị xử phạt hành chính vì cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề của mình có bị thu hồi chứng chỉ không?
Tại khoản 1 Điều 16 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá bị thu hồi Chứng chỉ trong những trường hợp sau:
a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 15 của Luật này;
b) Không hành nghề đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, trừ trường hợp bất khả kháng;
c) Bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do vi phạm quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 9 của Luật này;
d) Thôi hành nghề theo nguyện vọng;
đ) Bị tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố là đã chết.
Theo điểm b và điểm c khoản 1 Điều 9 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định nghiêm cấm đấu giá viên thực hiện các hành vi sau đây:
b) Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi;
c) Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
Theo quy định trên chỉ có 02 trường hợp được nêu trên bị xử lý vi phạm hành chính thì mới bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá. Bạn cho em gái bạn sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình thì chỉ bị xử phạt hành chính như phân tích ở trên chứ không bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Đấu giá viên (Hình từ Internet)
Đấu giá viên có những trách nhiệm nghề nghiệp như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên ban hành kèm theo Thông tư 14/2018/TT-BTP quy định trách nhiệm nghề nghiệp như sau:
1. Đấu giá viên không được lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi.
2. Đấu giá viên phải tận tâm và có trách nhiệm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ để bảo đảm thực hiện đấu giá tài sản hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
3. Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá có nghĩa vụ nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, tài liệu liên quan đến tài sản đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá, lập và hoàn thiện hồ sơ đấu giá tài sản, điều hành cuộc đấu giá theo đúng quy định pháp luật. Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, đấu giá viên bàn giao đầy đủ hồ sơ đấu giá cho tổ chức đấu giá tài sản để lưu trữ theo quy định của pháp luật.
4. Đấu giá viên có nghĩa vụ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận với các bên tham gia đấu giá, không được sử dụng thông tin biết được từ việc thực hiện đấu giá tài sản để phục vụ lợi ích cá nhân.
Đấu giá viên không được lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; phải tận tâm và có trách nhiệm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ để bảo đảm thực hiện đấu giá tài sản hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; điều hành cuộc đấu giá có nghĩa vụ nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, tài liệu liên quan đến tài sản đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá, lập và hoàn thiện hồ sơ đấu giá tài sản, điều hành cuộc đấu giá theo đúng quy định pháp luật. Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, đấu giá viên bàn giao đầy đủ hồ sơ đấu giá cho tổ chức đấu giá tài sản để lưu trữ theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận với các bên tham gia đấu giá, không được sử dụng thông tin biết được từ việc thực hiện đấu giá tài sản để phục vụ lợi ích cá nhân.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân