Có được phép mang cổ vật ra nước ngoài để đấu giá tài sản không?
Có được phép mang cổ vật ra nước ngoài để đấu giá tài sản không?
Tại Điều 3 Thông tư 19/2012/TT-BVHTTDL quy định về các loại cổ vật không được mang ra nước ngoài như sau:
1. Cá thể hoặc bộ phận hóa thạch người, động vật, thực vật thuộc thời kỳ Tiền sử Việt Nam;
2. Cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc thời kỳ Tiền sử và Sơ sử Việt Nam;
3. Tài liệu bằng các chất liệu có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia Việt Nam và anh hùng dân tộc, danh nhân có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia Việt Nam;
4. Di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945;
5. Bản thảo tác phẩm văn học, bản gốc tác phẩm tạo hình (hội họa, đồ họa, điêu khắc), tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội được sáng tác từ tháng 9 năm 1945 đến nay;
6. Di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê;
7. Di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của các dân tộc thiểu số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được sản xuất, sáng tạo trước năm 1975;
8. Di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu liên quan đến các sự kiện quan trọng và sự nghiệp của các Nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu, Nhà hoạt động chính trị, quân sự xuất sắc trong thời kỳ thành lập Đảng, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước từ tháng 9 năm 1945 đến nay;
9. Cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học có xuất xứ từ nước ngoài (trừ trường hợp tạm nhập khẩu - tái xuất khẩu).
Danh mục cụ thể loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài được ban hành kèm theo Thông tư này.
Pháp luật không cấm người dân mang cổ vật ra nước ngoài để đấu giá. Tuy nhiên, nếu cổ vật đó thuộc một trong các cổ vật được quy định như trên thì người dân không được phép mang ra nước ngoài để đấu giá tài sản.
Mang cổ vật ra nước ngoài để đấu giá tài sản (Hình từ Internet)
Việc đấu giá tài sản là cổ vật tại nước ngoài được thực hiện như thế nào?
Tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định về việc đấu giá tài sản là cổ vật tại nước ngoài được thực hiện như sau:
4. Đối với việc bán đấu giá tài sản là di vật, cổ vật tại nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bán đấu giá di vật, cổ vật tại nước ngoài.
b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép xuất khẩu di vật, cổ vật bán đấu giá tại nước ngoài theo quy định của pháp luật.
c) Thủ tục xuất khẩu di vật, cổ vật thực hiện theo quy định của pháp luật.
d) Cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản Việt Nam hoặc nước ngoài để ủy thác bán đấu giá tài sản, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản xem xét, quyết định đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm; ưu tiên lựa chọn tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:
- Có kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bán đấu giá các tài sản tương tự;
- Có phương án tổ chức bán đấu giá có hiệu quả;
- Có tỷ lệ (%) chi phí bán đấu giá thấp;
- Có phương án xử lý khả thi trong trường hợp di vật, cổ vật đã xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không bán được (cam kết mua lại, chịu chi phí vận chuyển số cổ vật, di vật không bán được về Việt Nam v.v...).
Trường hợp có nhiều tổ chức có chức năng bán đấu giá đăng ký tham gia thì việc lựa chọn tổ chức có chức năng bán đấu giá được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
đ) Hợp đồng ủy thác bán đấu giá:
Hợp đồng ủy thác bán đấu giá tài sản phải được lập theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, trường hợp pháp luật Việt Nam không quy định hoặc quy định khác với pháp luật quốc tế thì thực hiện theo pháp luật quốc tế; có cam kết cụ thể, chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các bên có liên quan; có quy định về giải quyết tranh chấp. Các công việc được ủy thác bao gồm: Đóng gói, vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài, vận chuyển từ nơi bảo quản đến nơi bán đấu giá, mua bảo hiểm cho hiện vật mang đi bán đấu giá, bảo quản tài sản tại nước ngoài, quảng bá, tổ chức bán đấu giá, xử lý tài sản trong trường hợp không bán được.
Cơ quan được giao nhiệm vụ ký Hợp đồng ủy thác bán đấu giá chịu trách nhiệm về nội dung của Hợp đồng; trường hợp cần thiết có thể lấy ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp trước khi ký Hợp đồng.
Cá nhân đấu giá tài sản là cổ vật thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nêu trên.
Cá nhân giao nộp cổ vật cho nhà nước có được thưởng tiền không?
Tại Điều 41 Luật di sản văn hóa 2001 được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 quy định như sau:
1. Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Căn cứ giá trị và yêu cầu bảo quản di vật, cổ vật quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định giao di vật, cổ vật đó cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.
3. Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định nêu trên thì nếu cá nhân giao nộp cổ vật cho nhà nước thì cá nhân đó sẽ được thưởng một khoản tiền theo quy định của Chính phủ.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi