Để mua đất xây dựng nhà văn hóa các hộ dân có bắt buộc phải đóng tiền không?
1. Các hộ dân có bắt buộc phải đóng tiền để mua đất xây dựng nhà văn hóa không?
Tại Điều 54 Luật đất đai 2013 quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất, cụ thể như sau:
Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này;
2. Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;
3. Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;
4. Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước;
5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.
Theo Điều 146 Luật đất đai 2013 quy định đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn:
1. Đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị gồm đất chỉnh trang khu vực nội thành, nội thị hiện có; đất được quy hoạch để mở rộng đô thị hoặc phát triển đô thị mới.
Đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn gồm đất chỉnh trang trong khu dân cư hiện có, đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất được quy hoạch để mở rộng khu dân cư nông thôn.
2. Việc sử dụng đất để chỉnh trang, phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc lập và giao cho tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án theo quy định của pháp luật để chỉnh trang hoặc xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới. Đất cho các dự án này phải được phân bổ đồng bộ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho toàn khu vực, bao gồm đất sử dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng, đất ở, đất xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Khi thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn, Nhà nước chủ động thu hồi đất, bao gồm đất để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và đất vùng phụ cận theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
4. Cộng đồng dân cư xây dựng, chỉnh trang các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước hỗ trợ thì việc tự nguyện góp quyền sử dụng đất, bồi thường hoặc hỗ trợ do cộng đồng dân cư và người sử dụng đất đó thỏa thuận.
Ngoài ra, Điểm b Mục 1 Chỉ thị 24/2007/CT-TTg có quy định như sau:
b) Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.
Trong trường hợp này nếu thôn bạn muốn có đất để xây dựng nhà văn hóa thì người có thẩm quyền có thể thỏa thuận để hộ dân có đất tự nguyện đóng góp quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận với các hộ dân trong thôn đóng tiền để hỗ trợ, bồi thường cho người có quyền sử dụng đất trống đó để họ chuyển mảnh đất đó cho thôn xây dựng nhà văn hóa.
Việc đóng góp quỹ để mua đất xây dựng nhà văn hóa là khoản thu xây dựng công trình phục vụ lợi ích chung của thôn vì vậy việc thu phải được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện dựa trên sự đồng thuận của người dân.
Vì vậy, địa phương không được sự đồng ý của người dân mà tự quy định mức thu và việc thu bắt buộc là không đúng với quy định của pháp luật.
2. Trưởng thôn có được phép chuyển nhượng đất nhà văn hóa thôn không?
Theo Điều 211 Bộ luật dân sự 2015 quy định sở hữu chung của cộng đồng, như sau:
1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.
Căn cứ Điều 181 Luật đất đai 2013 quy định quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất:
1. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.
2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Theo quy định trên thì đất của cộng đồng dân cư không được phép chuyển nhượng cho người khác. Do đó, trưởng thôn sẽ không được phép chuyển nhượng đất của nhà văn hóa thôn.
3. Cơ cấu tổ chức của Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL quy định cơ cấu tổ chức, như sau:
1. Căn cứ tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, Trưởng thôn tổ chức bầu chọn Chủ nhiệm hoặc Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn.
Chủ nhiệm hoặc Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn hoạt động theo nguyên tắc kiêm nhiệm, tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách xã.
2. Có đội ngũ cộng tác viên và người hoạt động nghiệp vụ không chuyên trách.
Với quy định này thì cơ cấu tổ chức của Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn được thực hiện theo quy định trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài