Để được hỗ trợ học nghề người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp bao nhiêu tháng?

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp mấy tháng thì được hỗ trợ học nghề? Nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề tại đâu? Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề gồm những văn bản nào? Chào anh/chị, em hiện đang thất nghiệp và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, em muốn đi học nghề để có thể tiếp tục đi làm, trước đây em có đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng không biết có đủ để được hỗ trợ học nghề hay không? Nộp hồ sơ tại đâu? Mong được hướng dẫn!

1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp mấy tháng thì được hỗ trợ học nghề?

Tại Điều 55 Luật việc làm 2013 quy định điều kiện được hỗ trợ học nghề như sau:

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật này;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định như trên, nếu bạn có đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động, thì bạn sẽ được hỗ trợ học nghề.

2. Nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề tại đâu?

Tại Điều 11 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH người lao động có nhu cầu học nghề phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ví dụ 16: Bà Mai Thị K đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tỉnh Hải Dương. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp bà K có nhu cầu học nghề. Như vậy, bà K phải nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương để Trung tâm xem xét, tư vấn học nghề, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương quyết định việc hỗ trợ học nghề cho bà K.

2. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên nhưng không thuộc diện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có nhu cầu học nghề thì nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cùng với hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề.

Ví dụ 17: Ông Nguyễn Văn M làm việc tại tỉnh Bình Dương, có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục là 11 tháng. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, ông M có nhu cầu học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh thì ông M nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cùng với hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, bạn có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi bạn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề gồm những văn bản nào?

Tại Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề như sau:

1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang chờ kết quả giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương nơi đang chờ kết quả hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là đề nghị hỗ trợ học nghề theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương không phải nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu.

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động không thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, bao gồm:

a) Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

b) Đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định này;

d) Sổ bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hưởng thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề là đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều này và thông báo của trung tâm dịch vụ việc làm về việc người lao động không đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề sẽ bao gồm những văn bản theo quy định như trên.

Trân trọng!

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào