Học sinh, sinh viên có mức hỗ trợ bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng như thế nào?
1. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên đối với bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 143/2020/TT-BQP quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên đối với bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng như sau:
1. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các huyện được áp dụng cơ chế chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
2. Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo và hộ gia đình nghèo đa chiều theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
3. Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên khác.
4. Phần còn lại của mức đóng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này do học sinh, sinh viên tự đóng.
5. Trường hợp học sinh, sinh viên thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng trên thì được hưởng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
2. Phương thức đóng bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 143/2020/TT-BQP phương thức đóng bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng như sau:
1. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này.
a) Hằng tháng, đơn vị đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động theo mức đóng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này để nộp cùng một lúc, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng về Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng.
b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư này, khi cơ quan có thẩm quyền kết luận không vi phạm pháp luật, đơn vị sử dụng lao động trích tiền truy đóng bảo hiểm y tế của người lao động bằng 4,5% của 50% tổng số tiền lương người lao động được truy lĩnh trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, nộp một lần về Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng.
2. Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này.
a) Đối tượng quy định tại điểm a, điểm b:
- Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng thực hiện ký hợp đồng đóng và cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với các đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng này.
- Đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước theo mức đóng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này để nộp vào tài khoản chuyên thu bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng ngay khi hợp đồng có hiệu lực, số tiền đóng bảo hiểm y tế tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 của năm tài chính và thực hiện thanh lý hợp đồng theo quy định.
b) Đối tượng quy định tại điểm c, điểm d:
- Hằng năm, trước ngày 31 tháng 10, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng để thực hiện việc đóng bảo hiểm y tế và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng này.
- Căn cứ hợp đồng đã ký và ngân sách nhà nước được phân cấp, đơn vị nộp tiền đóng bảo hiểm y tế vào tài khoản chuyên thu bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng theo mức đóng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này thành 2 đợt: đợt 1, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực và ít nhất bằng 85% tổng giá trị của hợp đồng; đợt 2, trước ngày 31 tháng 10 hằng năm, hai bên đối chiếu số thẻ đã cấp, số tiền phải đóng bảo hiểm y tế (kể cả tăng, giảm số người tham gia bảo hiểm y tế hoặc do điều chỉnh mức lương cơ sở, hoặc mức đóng bảo hiểm y tế) để chuyển nốt số tiền phải đóng và thực hiện thanh lý hợp đồng theo quy định.
c) Đối tượng do ngân sách nhà nước đóng thực hiện việc chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 9 Điều 9 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
3. Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này:
a) Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng ký hợp đồng đóng bảo hiểm y tế và cấp thẻ bảo hiểm y tế với các đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng.
b) Ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực, đơn vị thu tiền đóng bảo hiểm y tế. Phần trách nhiệm đóng của học sinh, sinh viên theo mức đóng quy định tại khoản 3 Điều 3 và mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước quy định tại Điều 4 Thông tư này theo thời hạn năm học nếu học dài hạn trên 1 năm hoặc theo khóa học nếu học từ đủ 12 tháng trở xuống, nộp vào tài khoản chuyên thu bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng.
c) Sau quyết toán hàng năm, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã cấp, số tiền thực thu của học sinh, sinh viên và số tiền được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế phần ngân sách hỗ trợ mức đóng cho Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng.
d) Đối với đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, khi nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở, thì số tiền ngân sách nhà nước đóng hỗ trợ được điều chỉnh kể từ ngày áp dụng mức đóng bảo hiểm y tế mới, mức lương cơ sở mới.
đ) Đối với đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế, khi nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở thì học sinh, sinh viên và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà học sinh, sinh viên đã đóng bảo hiểm y tế.
4. Đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư này, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng này cùng với việc đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ các nguồn theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư này.
3. Thẻ bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào?
Theo Điều 7 Thông tư 143/2020/TT-BQP thẻ bảo hiểm y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được quy định như sau:
1. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này thuộc Bộ Quốc phòng quản lý theo mẫu, mã thẻ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định.
2. Tham gia bảo hiểm y tế liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn