Quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị trong trường hợp thay đổi lĩnh vực, địa bàn kiểm toán nhà nước?
- 1. Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị trong trường hợp thay đổi lĩnh vực, địa bàn kiểm toán nhà nước?
- 2. Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu, Trung tâm Tin học trong theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước?
- 3. Trình tự tổ chức theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhà nước như thế nào?
1. Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị trong trường hợp thay đổi lĩnh vực, địa bàn kiểm toán nhà nước?
Căn cứ Điều 6 Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm Quyết định 02/2022/QĐ-KTNN (Có hiệu lực từ 18/12/2022) quy định trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị trong trường hợp hoán đổi, thay đổi lĩnh vực, địa bàn kiểm toán như sau:
1. Khi thay đổi địa bàn, lĩnh vực kiểm toán theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, đơn vị được giao phụ trách lĩnh vực, địa bàn cũ có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ kiểm toán và việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán thuộc lĩnh vực, địa bàn thay đổi cho đơn vị được giao tiếp quản phụ trách lĩnh vực, địa bàn. Việc bàn giao phải được lập thành văn bản. Các vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến lĩnh vực, địa bàn thay đổi, đơn vị được giao tiếp quản phụ trách lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm xem xét, giải quyết; đơn vị phụ trách lĩnh vực, địa bàn cũ có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
2. Khi hoán đổi có thời hạn địa bàn, lĩnh vực kiểm toán theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thời kỳ hoán đổi có trách nhiệm tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với thời kỳ kiểm toán được hoán đổi và bàn giao hồ sơ kiểm toán, hồ sơ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có) cho đơn vị phụ trách địa bàn, lĩnh vực. Đơn vị được giao phụ trách địa bàn, lĩnh vực kiểm toán chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiểm toán theo quy định. Các vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến thời kỳ được hoán đổi, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán mới có trách nhiệm xem xét, giải quyết; đơn vị phụ trách lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
2. Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu, Trung tâm Tin học trong theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước?
Theo Điều 7 Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm Quyết định 02/2022/QĐ-KTNN (Có hiệu lực từ 18/12/2022) quy định trách nhiệm của các đơn vị tham mưu, Trung tâm Tin học như sau:
1. Trách nhiệm của Vụ Tổng hợp
a) Chủ trì tổng hợp, theo dõi tiến độ, đôn đốc việc tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định này; tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành hướng dẫn về hồ sơ, biểu mẫu theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
b) Phối hợp với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và Văn phòng KTNN trong việc xác định nguồn kinh phí được trích để lại theo quy định.
c) Phối hợp với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại của đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
d) Thẩm tra, trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt việc điều chỉnh kết luận, kiến nghị kiểm toán trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 18 Quy định này.
đ) Tổng hợp, lập và trình Tổng Kiểm toán nhà nước phát hành báo cáo tổng hợp kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán định kỳ, đột xuất theo quy định này.
e) Trong trường hợp cần thiết, tham mưu trình Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán để tổ chức kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các kết luận, kiến nghị tồn đọng, kiến nghị liên quan đến nhiều báo cáo kiểm toán của nhiều đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; kết luận, kiến nghị với tổ chức, cá nhân liên quan đến Báo cáo kiểm toán.
2. Trách nhiệm của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra Kiểm toán nhà nước
a) Phối hợp với Vụ Tổng hợp và các đơn vị trong việc giải quyết các vấn đề trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.
b) Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với công tác tổ chức, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế:
Phối hợp với Vụ Tổng hợp và các đơn vị trong việc giải quyết các vấn đề trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.
4. Trách nhiệm của Trung tâm Tin học
Chịu trách nhiệm xây dựng, thiết lập, chỉnh sửa, quản trị cơ sở dữ liệu về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong việc cập nhật, quản trị cơ sở dữ liệu của các đơn vị và thống nhất với Vụ Tổng hợp trước khi điều chỉnh, xử lý.
3. Trình tự tổ chức theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhà nước như thế nào?
Tại Điều 8 Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm Quyết định 02/2022/QĐ-KTNN (Có hiệu lực từ 18/12/2022) quy định trình tự tổ chức theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán như sau:
1. Thu thập, tổng hợp thông tin về kết luận, kiến nghị kiểm toán và tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
2. Đánh giá tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
3. Tổ chức các hoạt động nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: phân công bộ phận giúp việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; trả lời bằng văn bản đối với báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; đôn đốc hoặc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; xử lý khiếu nại, kiến nghị về kết luận, kiến nghị kiểm toán.
4. Thực hiện cập nhật và thiết lập cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
5. Tổng hợp, báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh