Có được tự thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán cho hợp tác xã của mình không?
1. Hợp tác xã có được tự thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán không?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 24/2017/TT-BTC quy định về chứng từ kế toán như sau:
1. Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.
2. Chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu.
3. HTX được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại Luật Kế toán, phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị mình trừ khi pháp luật có quy định khác.
4. Các nội dung khác liên quan đến chứng từ kế toán thực hiện theo quy định của Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán, các văn bản pháp luật khác có liên quan đến chứng từ kế toán và các quy định trong Thông tư này.
5. Danh mục chứng từ kế toán, biểu mẫu chứng từ kế toán và phương pháp lập chứng từ kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, hợp tác xã được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán của mình nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán theo quy định.
2. Các tài khoản kế toán trong bảng của hợp tác xã có được hạch toán kép không?
Theo Điều 4 Thông tư 24/2017/TT-BTC quy định về tài khoản kế toán
1. Tài khoản kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính theo nội dung kinh tế.
2. Tài khoản kế toán áp dụng cho Hợp tác xã bao gồm loại tài khoản trong bảng (bao gồm các tài khoản từ loại 1 đến loại 6 và tài khoản loại 9) và loại tài khoản ngoài bảng (tài khoản loại 0). Đối với các tài khoản trong bảng thì được hạch toán kép (nghiệp vụ kinh tế phát sinh được hạch toán vào bên Nợ của ít nhất một tài khoản và hạch toán vào bên Có của ít nhất một tài khoản khác). Đối với các tài khoản ngoài bảng thì được hạch toán đơn (nghiệp vụ kinh tế phát sinh chỉ hạch toán vào bên Nợ hoặc bên Có của một tài khoản, không hạch toán đối ứng với tài khoản khác).
3. Về sửa đổi hệ thống tài khoản kế toán
a) Trường hợp Hợp tác xã cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2 hoặc sửa đổi tài khoản cấp 1, cấp 2 về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
b) HTX có thể mở thêm các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 đối với những tài khoản không có quy định tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 tại Danh mục hệ thống tài khoản kế toán quy định tại Mục I Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của HTX mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.
4. Danh mục hệ thống tài khoản kế toán và nội dung, kết cấu, nguyên tắc kế toán, phương pháp hạch toán kế toán được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, đối với các tài khoản kế toán trong bảng của hợp tác xã được hạch toán kép (nghiệp vụ kinh tế phát sinh được hạch toán vào bên Nợ của ít nhất một tài khoản và hạch toán vào bên Có của ít nhất một tài khoản khác).
3. Sổ kế toán của hợp tác xã phải ghi rõ những nội dung gì?
Tại Điều 6 Thông tư 24/2017/TT-BTC quy định về sổ kế toán như sau:
1. Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến HTX.
2. Sổ kế toán phải ghi rõ tên HTX; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa số; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của HTX; số trang; đóng dấu giáp lai.
3. Các nội dung khác liên quan đến sổ kế toán thực hiện theo quy định của Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán, các văn bản pháp luật khác có liên quan đến sổ kế toán và các quy định trong Thông tư này.
4. Danh mục sổ kế toán, biểu mẫu sổ kế toán và phương pháp ghi sổ kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, sổ kế toán của hợp tác xã phải ghi rõ những nội dung được quy định trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh