Sau khi gây tai nạn giao thông tài xế sợ bị đánh thì có được rời khỏi hiện trường không?
1. Sợ bị đánh, tài xế có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông?
Tại Khoản 1 Điều 38 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông, như sau:
1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Thực tế nhiều trường hợp người gây tai nạn ở lại hiện trường có thể bị người thân của nạn nhân hoặc của người tham gia giao thông khác hành hung, tấn công, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe.
Vì vậy, trường hợp này tài xế được phép rời khỏi hiện trường nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
2. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông bị xử lý hành chính như thế nào?
Căn cứ Khoản 8, Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
8. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm e khoản 4 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt sử dụng trái quy định;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;
d) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;
đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng;
e) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;
g) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng;
h) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 10 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Theo đó, người điều khiển xe ô tô bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng.
3. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm gì?
Theo Khoản 2 Điều 38 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Bảo vệ hiện trường;
b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;
c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;
đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Với quy định này thì những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài