Trước khi tuyển dụng phi công có cần phải xét nghiệm HIV không?
1. Phi công có cần phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng không?
Tại Điều 20 Nghị định 108/2007/NĐ-CP quy định danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng như sau:
1. Danh mục nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng:
a) Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
b) Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
2. Khi đã tuyển dụng mà phát hiện người lao động nhiễm HIV, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 14 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
3. Căn cứ vào diễn biến của dịch HIV/AIDS trong từng thời kỳ cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.
Theo Điều 72 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định tổ lái như sau:
1. Thành viên tổ lái là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.
2. Tàu bay chỉ được phép thực hiện chuyến bay khi có đủ thành phần tổ lái theo quy định của pháp luật quốc gia đăng ký tàu bay hoặc quốc gia của người khai thác tàu bay.
Như vậy, theo quy định trên người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay được xem là phi công. Do đó, xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng phi công là một điều bắt buộc.
2. Khi đã tuyển dụng mà phát hiện phi công nhiễm HIV người sử dụng lao động phải thực hiện những gì?
Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Nghị định 108/2007/NĐ-CP quy định danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng như sau:
2. Khi đã tuyển dụng mà phát hiện người lao động nhiễm HIV, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 14 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Tại Điều 14 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 quy định phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc như sau:
1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân;
b) Bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV;
c) Tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;
d) Các trách nhiệm khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.
2. Người sử dụng lao động không được có các hành vi sau đây:
a) Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
b) Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;
c) Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
d) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.
Do đó, khi đã tuyển dụng mà phát hiện ra phi công nhiễm HIV thì người sử dụng lao động phải thực hiện theo những quy định đã được nêu trên.
3. Trước khi hiến tạng có cần phải xét nghiệm HIV bắt buộc không?
Theo Điều 1 Thông tư 33/2011/TT-BYT được sửa bởi Điểm b Khoản 2 Điều 13 Thông tư 01/2015/TT-BYT quy định các trường hợp được thực hiện xét nghiệm HIV bắt buộc để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh như sau:
1. Người hiến mô, bộ phận cơ thể người.
2. Người nhận mô, bộ phận cơ thể người.
3. Người cho tinh trùng, noãn.
4. Người nhận tinh trùng, noãn, phôi.
Như vậy, theo quy định trên trước khi đi hiến tạng thì người hiến tạng phải thực hiện xét nghiệm HIV bắt buộc.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân