Quy định về kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong giao thông vận tải là gì?
- 1. Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong giao thông vận tải như thế nào?
- 2. Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong trong thông tin và truyền thông như thế nào?
- 3. Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong xây dựng như thế nào?
- 4. Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong trong đầu tư, quản lý kinh tế như thế nào?
1. Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong giao thông vận tải như thế nào?
Tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 164/2018/NĐ-CP quy định về kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong giao thông vận tải như sau:
3. Kết hợp trong giao thông vận tải
a) Phát triển hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đảm bảo kết nối giao thông giữa các vùng, miền, các trung tâm kinh tế và các tuyến vận tải chiến lược trong khu vực phòng thủ, tạo sự liên hoàn, thông suốt. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình và phục vụ quốc phòng trong thời chiến;
b) Trong quy hoạch phát triển vùng phải bảo đảm phát triển nâng cấp hệ thống cảng, kênh, rạch, sông ngòi, luồng lạch, đê điều có sẵn thành mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ liên vùng làm cơ sở để kết hợp giữa phương tiện vận tải hiện đại với phương tiện vận tải thô sơ, sẵn sàng phục vụ quốc phòng khi có yêu cầu, chống chia cắt trong mọi tình huống.
2. Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong trong thông tin và truyền thông như thế nào?
Tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định 164/2018/NĐ-CP quy định về kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong trong thông tin và truyền thông như sau:
4. Kết hợp trong thông tin và truyền thông
a) Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc dân sự kết hợp chặt chẽ với hệ thống thông tin liên lạc của các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; kết hợp giữa phương tiện thông tin liên lạc hiện đại và thô sơ để bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, vững chắc phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng trong mọi tình huống; có giải pháp an ninh mạng, an toàn thông tin số cho hệ thống thông tin và có các biện pháp chống tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng;
b) Bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung, hình thức kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng trên các thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại. Đấu tranh với các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa, thông tin, tuyên truyền.
3. Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong xây dựng như thế nào?
Tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 164/2018/NĐ-CP quy định về kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong xây dựng như sau:
5. Kết hợp trong xây dựng
a) Kết hợp chặt chẽ với quốc phòng trong xây dựng, chế tạo vật liệu xây dựng lưỡng dụng, nhà ở và công sở, kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, hạ tầng kỹ thuật đô thị vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo phục vụ quốc phòng khi có yêu cầu;
b) Khi xây dựng các công trình dân sự phải đảm bảo tính lưỡng dụng, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng; việc kết hợp phải được thực hiện từ khảo sát, quy hoạch, kế hoạch, lấy ý kiến, thẩm định và phê duyệt dự án; không xây dựng các công trình xâm phạm không lưu, các địa hình có giá trị về quân sự, quốc phòng hoặc làm ảnh hưởng, cản trở đến các phương án tác chiến;
c) Trong xây dựng cần ưu tiên nghiên cứu, chế tạo phát triển những vật liệu lưỡng dụng đáp ứng yêu cầu quốc phòng để phục vụ các công trình phòng thủ, công sự trận địa của lực lượng vũ trang; xây dựng và cải tạo các hang động tự nhiên phục vụ dân sinh gắn với phục vụ quốc phòng khi có tình huống.
4. Kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong trong đầu tư, quản lý kinh tế như thế nào?
Tại Khoản 6 Điều 15 Nghị định 164/2018/NĐ-CP quy định về kết hợp kinh tế xã hội với quốc phòng trong trong đầu tư, quản lý kinh tế như sau:
6. Kết hợp trong đầu tư, quản lý kinh tế
Việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý kinh tế chung và một số lĩnh vực cụ thể, chính sách đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao và các loại hình khu kinh tế khác; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; thành lập, phát triển doanh nghiệp và khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi