Các thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có phải chịu các khoản nợ không khi công ty phá sản?
- Khi công ty phá sản thì các thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có phải chịu các khoản nợ không?
- Công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa làm thủ tục phá sản bị phạt tiền như thế nào?
- Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên theo phương thức nào?
Khi công ty phá sản thì các thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có phải chịu các khoản nợ không?
Tại Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, như sau:
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.
Theo khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
4. Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Theo đó, khi công ty phá sản thì các thành viên góp vốn của công ty bạn sẽ phải cùng bạn chịu các khoản nợ với các bên khác.
Trừ khi các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Các thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có phải chịu các khoản nợ không khi công ty phá sản? (Hình từ Internet)
Công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa làm thủ tục phá sản bị phạt tiền như thế nào?
Theo Điều 67 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử lý hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ nộp đơn, theo đó:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Khi công ty đã ngừng hoạt động mà bạn chưa làm thủ tục phá sản thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên theo phương thức nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, như sau:
1. Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây:
a) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;
b) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
c) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
d) Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông;
đ) Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này và các phương thức khác.
Như vậy, công ty cổ phần có thể thực hiện việc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên theo phương thức quy định nêu trên của pháp luật.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài