Điều kiện để được gộp nhiều thửa đất trên một sổ đỏ?
Để gộp nhiều thửa đất trên một sổ đỏ cần điều kiện gì?
Tìm hiểu quy định pháp luật về đất đai. Ban biên tập cho tôi hỏi. Theo quy định thì làm sao để được gộp nhiều thửa đất trên một sổ đỏ? Mong sớm nhận phản hồi.
Trả lời:
Tại Điều 98 Luật đất đai 2013, có quy định:
Điều 98. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất.Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.
Như vậy, theo quy định trên để được gộp nhiều thửa đất trên cùng một sổ phải đáp ứng hai điều kiện. Thứ nhất là đất để gộp đó là đất nông nghiệp. Thứ hai những thửa đất nông nghiệp đó phải là đất trên cùng một xã, phường thị trấn.
Có được thêm tên vào sổ đỏ khi mua đất thuộc quy hoạch?
Xin chào các anh chị trong Ban biên tập. Tôi có một câu hỏi rất mong được các anh chị giải đáp. Tôi có mua một mảnh đất 100 m2 thuộc quy hoạch? Do nằm trong quy hoạch nên không được tách sổ đỏ. Tôi có quyền sử dụng đất nhưng lại không có tên trong sổ đỏ nên gặp nhiều rắc rối trong các giao dịch dân sự. Vậy tôi muốn thêm tên vào sổ đỏ có được không? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Khoản 2 Điều 49 Luật đất đai 2013 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định như sau:
7. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai 2013 cũng quy định:
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của luật.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu thửa đất bạn mua trong diện quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất vẫn có quyền chuyển nhượng một phần thửa đất đó cho bạn theo quy định của pháp luật và bạn hoàn toàn có quyền làm thủ tục trước bạ, sang tên tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trừ trường hợp diện tích 100m2 đó chưa đủ diện tích tối thiểu để tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi thửa đất tọa lạc.
Thêm vào đó, pháp luật chưa có quy định về việc thêm tên vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận chuyển nhượng trong trường hợp người nhận chuyển nhượng không tách được sổ đỏ.
Do đó, thời điểm hiện tại, bạn không thể đề nghị cơ quan nhà nước thêm tên của bạn vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Có đòi lại được diện tích đất đã cho mượn chưa có sổ đỏ?
Trước đây, gia đình tôi có một mảnh đất nông nghiệp không canh tác, nên có cho một người họ hàng mượn để canh tác hoa màu trên đó. Tính đến nay cũng đã được hơn 10 năm. Nhưng nay gia đình tôi đến đòi lại diện tích đó thì họ không trả. Xin hỏi bây giờ gia đình tôi có thể kiện ra tòa để đòi lại đất được hay không? Vì hiện tại gia đình tôi chưa được cấp sổ đỏ, cũng nhưng các giấy tờ gì về quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên, vì diện tích đất trên được gia đình tôi khai hoang canh tác đã lâu.
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai tại Điều 202 Luật đất đai 2013 và các quy định pháp luật khác liên quan.
Theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
(1) Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
(2) Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật đất đai 2013;
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì trước đây, gia đình bạn có một mảnh đất nông nghiệp không canh tác, nên có cho một người họ hàng mượn để canh tác hoa màu trên đó, tính đến nay cũng đã được hơn 10 năm. Nhưng nay gia đình bạn đến đòi lại diện tích đó thì họ không trả. Và hiện tại gia đình bạn vẫn chưa được cấp sổ đỏ, cũng nhưng các giấy tờ gì về quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên (vì diện tích đất trên được gia đình bạn khai hoang canh tác đã lâu).
Do đó: Có thể thấy ở đây giữa gia đình bạn và người họ hạng đã phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên. Trường hợp gia đình bạn và người họ hạng không thể thỏa thuận được về việc ai là người có quyền sử dụng đất, thì gia đình bạn có quyền làm đơn gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất yêu cầu tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất đã tiến hành hòa giải nhưng không thành, thì gia đình bạn có thể lựa chọn một trong hai hướng giải quyết sau đây:
- Thứ nhất: Tiến hành nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để được giải quyết;
- Thứ hai: Khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Dù lựa chọn theo hướng giải quyết nào, thì gia đình bạn cũng cần phải đảm bảo có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh được gia đình bạn có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích đất tranh chấp để Tòa án, Ủy ban nhân dân xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo