Quy định về xử lý đối với động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ như thế nào?
Quy định về xử lý đối với động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ?
Tại Điều 12 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về xử lý đối với động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ, cụ thể như sau:
1. Các biện pháp xử lý bao gồm: Tạm dừng giết mổ; giết mổ ở khu vực riêng; giết mổ bắt buộc, tiêu hủy bắt buộc hoặc chuyển mục đích sử dụng.
2. Động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y được xử lý theo hướng dẫn tại mục 1 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Cục Thú y hướng dẫn biện pháp xử lý bắt buộc đối với động vật mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới.
Theo đó, các biện pháp xử lý bao gồm: Tạm dừng giết mổ; giết mổ ở khu vực riêng; giết mổ bắt buộc, tiêu hủy bắt buộc hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Quy định về xử lý đối với động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy định về xử lý đối với sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ?
Căn cứ Điều 13 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về xử lý đối với sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, theo đó:
1. Các biện pháp xử lý bao gồm: Tiêu hủy; xử lý nhiệt; xử lý cơ học; chuyển mục đích sử dụng.
2. Hướng dẫn xử lý đối với sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ như sau:
a) Sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm phát hiện trong quá trình giết mổ xử lý theo hướng dẫn tại mục 2 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu về cảm quan xử lý theo hướng dẫn tại mục 3 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Sản phẩm động vật ô nhiễm vi sinh vật không được phép có hoặc vượt quá mức giới hạn cho phép xử lý theo hướng dẫn tại mục 4 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu về các chỉ tiêu tồn dư thuốc kháng sinh hoặc phát hiện tồn dư chất cấm, chất độc xử lý theo hướng dẫn tại mục 5 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Sản phẩm động vật mang ký sinh trùng, ấu trùng của ký sinh trùng xử lý theo hướng dẫn tại mục 6 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ thì sẽ được xử lý theo như quy định nêu trên.
Mẫu dấu kiểm soát giết mổ đóng trên thân thịt gia súc để xuất khẩu?
Theo Điều 14 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định mẫu dấu kiểm soát giết mổ đóng trên thân thịt gia súc để xuất khẩu, như sau:
1. Dấu hình tròn, có kích thước: Đường kính vòng ngoài 40 mm, đường kính vòng trong 25 mm, ở giữa có đường phân cách đi qua tâm đường tròn chia đôi dấu thành hai phần bằng nhau. Đường tròn ngoài, đường tròn trong và đường kẻ ngang của dấu có bề rộng là 1 mm.
2. Khoảng cách giữa đường tròn trong và đường tròn ngoài của dấu:
a) Phía trên khắc chữ “K. S. G. M. X. K” (viết tắt của cụm từ kiểm soát giết mổ xuất khẩu), chiều cao của chữ là 4 mm, bề rộng của nét chữ là 1 mm;
b) Phía dưới khắc chữ “CỤC THÚ Y”, chiều cao của chữ là 4 mm, bề rộng của nét chữ là 1 mm.
3. Hình tròn phía trong của dấu khắc mã số của cơ sở giết mổ theo quy định sau:
a) Phía trên khắc mã hiệu của cơ quan quản lý cơ sở giết mổ theo ký tự A hoặc B, C, ..., chiều cao của chữ là 10 mm, bề rộng của nét chữ là 2 mm;
b) Phía dưới khắc số hiệu của cơ sở giết mổ theo số thứ tự 1 hoặc 2, 3, ..., chiều cao của chữ số là 10 mm, bề rộng của nét số là 2 mm.
4. Mẫu dấu theo hướng dẫn như Hình 1 của Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài