Làm Giám đốc công ty chứng khoán cần phải có chứng chỉ hành nghề gì?
Cần phải có chứng chỉ hành nghề gì mới được làm Giám đốc công ty chứng khoán?
Căn cứ khoản 5 Điều 74 Luật Chứng khoán 2019 quy định điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán như sau:
5. Điều kiện về nhân sự bao gồm:
Có Tổng giám đốc (Giám đốc), tối thiểu 03 nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đề nghị cấp phép và tối thiểu 01 nhân viên kiểm soát tuân thủ. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
a) Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù hoặc bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật;
b) Có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác;
c) Có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ;
d) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong thời hạn 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Trường hợp có Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và d khoản này và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ phụ trách.
Như vậy, Giám đốc công ty chứng khoán phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định trên, trong đó phải có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
Làm Giám đốc công ty chứng khoán cần phải có chứng chỉ hành nghề gì? (Hình từ Internet)
Nhân sự của bộ phận kiểm soát nội bộ được kiêm nhiệm làm kế toán trong công ty chứng khoán không?
Theo khoản 4 Điều 12 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định Kiểm soát nội bộ công ty chứng khoán như sau:
4. Yêu cầu nhân sự của bộ phận kiểm soát nội bộ
a) Bố trí tối thiểu 01 nhân viên làm kiểm soát tuân thủ;
b) Trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ phải là người có trình độ chuyên môn về luật, kế toán, kiểm toán, có đủ kinh nghiệm, uy tín, thẩm quyền để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao;
c) Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, người thực hiện nghiệp vụ, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh trong công ty chứng khoán;
d) Có chứng chỉ chuyên môn Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc Chứng chỉ hành nghề chứng khoán, và chứng chỉ chuyên môn Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
đ) Không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán.
Theo đó, nhân sự của bộ phận kiểm soát nội bộ công ty chứng khoán sẽ không được kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán. Do đó, không thể đưa nhân sự kiểm toán nội bộ kiêm nhiệm làm kế toán trong công ty chứng khoán.
Quy định làm việc của Ban Tổng Giám đốc công ty chứng khoán có những nội dung tối thiểu nào?
Tại Điều 10 Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định ban Giám đốc như sau:
1. Tổng Giám đốc (Giám đốc) là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty chứng khoán, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
2. Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) công ty chứng khoán không được đồng thời làm việc cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc doanh nghiệp khác; Tổng Giám đốc (Giám đốc) công ty chứng khoán không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của công ty chứng khoán khác.
3. Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 5 Điều 74 Luật Chứng khoán.
4. Công ty chứng khoán phải xây dựng các quy định làm việc của Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) và phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty thông qua. Quy định làm việc tối thiểu phải có các nội dung cơ bản sau đây:
a) Trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của thành viên Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc);
b) Quy định trình tự, thủ tục tổ chức và tham gia các cuộc họp;
c) Trách nhiệm báo cáo của Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty, Ban kiểm soát.
Như vậy, quy định làm việc của Ban Tổng Giám đốc (Ban Giám đốc) tối thiểu phải có các nội dung cơ bản được quy định trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh