Bị phạt bao nhiêu tiền khi đưa công trình xây dựng vào sử dụng mà chưa nghiệm thu công trình?

Chào quý Luật sư. Tôi đọc báo pháp luật hàng ngày và thấy có rất nhiều dự án, công trình xây dựng được đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa thông qua nghiệm thu công trình xây dựng thì hành vi này có bị xử phạt tiền hay không? Kính mong được sự tư vấn từ anh chị. Tôi cảm ơn. 

Đưa công trình xây dựng vào sử dụng mà chưa nghiệm thu công trình bị phạt bao nhiêu tiền?

Tại Điều 18 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về nghiệm thu công trình xây dựng:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nghiệm thu không đúng trình tự, thủ tục quy định;
b) Không gửi văn bản đến cơ quan chuyên môn về xây dựng đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định.
2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định.
3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nghiệm thu khi khối lượng công việc chưa thực hiện hoặc khối lượng nghiệm thu lớn hơn khối lượng thực tế đã thực hiện đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP;
b) Công trình đã nghiệm thu nhưng không đảm bảo về chất lượng công trình.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Buộc trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng, chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu bộ phận công trình, hạng mục công trình đã đưa vào sử dụng với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Buộc tổ chức nghiệm thu lại theo thực tế thi công và buộc thu hồi số tiền đã nghiệm thu, thanh toán sai về tài khoản chủ đầu tư với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
d) Buộc khắc phục chất lượng công trình theo đúng quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa được quy định như sau:

a) Trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng;
b) Trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng;
c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, khi tổ chức đưa công trình xây dựng vào sử dụng mà chưa nghiệm thu công trình thì tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng phải tổ chức nghiệm thu bộ phận công trình xây dựng đã đưa vào sử dụng.

Với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền sẽ từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Bị phạt bao nhiêu tiền khi đưa công trình xây dựng vào sử dụng mà chưa nghiệm thu công trình?

Bị phạt bao nhiêu tiền khi đưa công trình xây dựng vào sử dụng mà chưa nghiệm thu công trình? (Hình từ Internet)

Chủ đầu tư có được ủy quyền người khác ký vào biên bản nghiệm thu công trình xây dựng trước khi đưa vào sử dụng không?

Theo khoản 7 Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định thành phần ký biên bản nghiệm thu, cụ thể như sau:

a) Người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền;
b) Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu giám sát thi công xây dựng, giám sát trưởng;
c) Người đại diện theo pháp luật, chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của các nhà thầu chính thi công xây dựng hoặc tổng thầu trong trường hợp áp dụng hợp đồng tổng thầu; trường hợp nhà thầu là liên danh thì phải có đầy đủ người đại diện theo pháp luật, chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của từng thành viên trong liên danh;
d) Người đại diện theo pháp luật và chủ nhiệm thiết kế của nhà thầu thiết kế khi có yêu cầu của chủ đầu tư;
đ) Người đại diện theo pháp luật của cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng dự án hoặc người được ủy quyền trong trường hợp thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Theo đó, chủ đầu tư được phép thực hiện việc ủy quyền cho một cá nhân khác đủ điều kiện để ký vào biên bản nghiệm thu công trình xây dựng trước khi đưa vào sử dụng.

Bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng như thế nào?

Căn cứ Điều 27 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng, theo đó:

1. Việc bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 124 Luật số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 46 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
2. Tùy theo điều kiện cụ thể của công trình, từng phần công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành và được nghiệm thu theo quy định có thể được bàn giao đưa vào khai thác theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc đơn vị khai thác, sử dụng.
3. Chủ đầu tư tổ chức lập 01 bộ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo quy định tại Phụ lục IX Nghị định này, bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình khi tổ chức bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ này trong suốt quá trình khai thác, sử dụng.
4. Trường hợp đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng từng phần thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình, lập và bàn giao hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì công trình đối với phần công trình được đưa vào sử dụng.

Với quy định này thì việc bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng được thực hiện theo quy định nêu trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nghiệm thu công trình

Nguyễn Minh Tài

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào