Có bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên không?
Khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên có bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức khám không?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp có bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 21 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
- Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động;
- Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Như vậy, có thể thấy đây là vấn đề bắt buộc thực hiện của doanh nghiệp, trên thực tế tùy chế độ phúc lợi của doanh nghiệp có thể linh hoạt tổ chức khám nhiều hơn số lần quy định nêu trên.
Có bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên không? (Hình từ Internet)
An toàn, vệ sinh viên tại doanh nghiệp có được hưởng trợ cấp không?
Cho tôi hỏi đối với đội an toàn, vệ sinh viên tại cơ sở doanh nghiệp khi hoạt động có được hưởng phụ cấp gì không?
Trả lời:
Theo Khoản 5 Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì an toàn, vệ sinh viên có quyền sau đây:
- Được cung cấp thông tin đầy đủ về biện pháp mà người sử dụng lao động tiến hành để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
- Được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện các nhiệm vụ của an toàn, vệ sinh viên nhưng vẫn được trả lương cho thời gian thực hiện nhiệm vụ và được hưởng phụ cấp trách nhiệm.
Mức phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên;
- Yêu cầu người lao động trong tổ ngừng làm việc để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, nếu thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó;
- Được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động.
Như vậy, an toàn, vệ sinh viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm. Mức phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
Điều kiện để làm việc tại bộ phận y tế của doanh nghiệp?
Em đã có bằng y sĩ. Nhưng chưa có chứng chỉ hành nghề. Bây giờ đi học để lấy chứng chỉ sơ cấp cứu thì có đủ điều kiện để làm việc tại bộ phận y tế của doanh nghiệp không?
Trả lời:
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 73 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về người làm công tác y tế ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn về y tế và chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
Theo đó tại Khoản 3 Điều 37 Nghị định 39/2016/NĐ-CP thì điều kiện về người làm công tác y tế của tại doanh nghiệp thì bạn phải có các điều kiện sau:
- Có trình độ chuyên môn y tế trong đó bao gồm: bác sỹ, bác sỹ y tế dự phòng, cư nhân Điều dưỡng, y sỹ, Điều dưỡng trung học, hộ sinh viên.
- Có chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
Theo quy định trên thì bạn đã đáp ứng được về trình độ chuyên môn khi có bằng y sỹ.
Tuy nhiên, về việc cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn y tế lao động vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về cấp chứng chỉ này cũng như các loại chứng chỉ nào có thể dùng thay cho chứng chỉ này.
Do đó hiện tại vẫn chưa thể kết luận được chứng chỉ sơ cấp cứu của bạn có đủ điều kiện để làm việc ở bộ phận y tế trong doanh nghiệp hay không.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài