Cá nhân mua bán tinh trùng có phạm tội mua bán bộ phận cơ thể người không?
Mua bán tinh trùng có phạm tội mua bán bộ phận cơ thể người?
Tại Điều 154 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người như sau:
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 có quy định như sau:
1. Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người.
2. Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.
Như vậy, tinh trùng không được xem là mô hoặc bộ phận cơ thể người. Chính vì vậy, khi mua bán tinh trùng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Cá nhân mua bán tinh trùng có phạm tội mua bán bộ phận cơ thể người không? (Hình từ Internet)
Người bao nhiêu tuổi được hiến tinh trùng?
Tại Điều 6 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 có quy định về quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo như sau:
1. Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật.
2. Việc hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, trong trường hợp nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên nếu đáp ứng được các quy định của pháp luật thì có thể hiến tinh trùng.
Hành vi sử dụng tinh trùng của một người cho để dùng cho hai người thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 42 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo tình hình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ về Bộ Y tế theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc khám, xét nghiệm để xác định người cho tinh trùng, cho noãn không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp tên tuổi, địa chỉ hoặc hình ảnh của người cho tinh trùng, người nhận tinh trùng, nhận phôi;
b) Sử dụng tinh trùng, noãn của một người cho để dùng cho từ hai người trở lên, trừ trường hợp không sinh con thành công;
c) Không hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học đối với tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết trong trường hợp sinh con thành công;
d) Không mã hóa tinh trùng, phôi của người cho hoặc mã hóa nhưng không ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc;
đ) Lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;
e) Không hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người gửi tinh trùng, noãn, phôi bị chết mà cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi nhận được thông báo kèm theo bản sao giấy khai tử hợp pháp từ phía gia đình người gửi, trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản;
g) Hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người gửi tinh trùng, noãn, phôi bị chết mà vợ hoặc chồng của người đó đã có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản;
h) Không hủy tinh trùng, noãn của người gửi trong trường hợp người gửi ly hôn và đề nghị hủy tinh trùng, noãn của chính mình;
i) Không hủy phôi của người gửi trong trường hợp người gửi ly hôn và có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai vợ chồng đề nghị hủy phôi của chính họ;
k) Hủy phôi của người gửi trong trường hợp người gửi ly hôn nhưng đã có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản;
l) Không thực hiện nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận trong việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi; không sử dụng biện pháp mã hóa các thông tin về người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi hiến tặng cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi để cho người khác, trừ trường hợp hiến tặng cho mục đích nghiên cứu khoa học;
m) Tiếp nhận gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi ngoài các trường hợp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cho tinh trùng, cho noãn tại hơn một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;
b) Thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không tuân theo quy trình kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
c) Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho người nhận tinh trùng, noãn, phôi mà người nhận không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
d) Sử dụng phôi dư không có hợp đồng tặng cho để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;
đ) Sử dụng phôi dư có hợp đồng tặng cho để sử dụng cho hơn một người, trừ trường hợp không sinh con thành công thì mới được sử dụng cho người khác;
e) Không hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm nghiên cứu khoa học số phôi còn lại chưa sử dụng hết trong trường hợp sinh con thành công;
g) Sử dụng phôi dư có hợp đồng tặng cho chưa được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được công nhận theo quy định của pháp luật;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được công nhận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với cơ sở vi phạm đồng thời từ 03 hành vi trở lên trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và các điểm c, d, đ, e, g khoản 4 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Theo đó, hành vi sử dụng tinh trùng của một người cho để dùng cho hai người thì có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân