Quy định về trách nhiệm của Văn phòng Bộ trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương?
- Trách nhiệm của Văn phòng Bộ trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương như thế nào?
- Thi đua khen thưởng và xử lý trách nhiệm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương?
- Vụ Pháp chế có trách nhiệm gì trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương?
Trách nhiệm của Văn phòng Bộ trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm Quyết định 1982/QĐ-BCT năm 2022 quy định trách nhiệm của Văn phòng Bộ trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương như sau:
1. Thẩm định Quyết định công bố thủ tục hành chính tại văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Thông tư số 18/2018/TT-BCT.
2. Phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo để ký tắt vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành theo quy định tại Điều 39 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
3. Phát hành thông tư, thông tư liên tịch:
a) Vào số thông tư, đóng dấu, lưu trữ, nhân bản, gửi thông tư, thông tư liên tịch cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo phần “Nơi nhận” của thông tư, thông tư liên tịch và gửi trả hồ sơ trình ký cho đơn vị chủ trì soạn thảo;
b) Kiểm soát thời hạn có hiệu lực của thông tư trong quá trình phát hành văn bản đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Điều 151 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
4. Đăng Công báo, đăng tải và đưa tin:
a) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ký ban hành, Văn phòng Bộ có trách nhiệm gửi thông tư, thông tư liên tịch (bản giấy và bản điện tử) đến Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, đồng thời thực hiện đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước;
b) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ký ban hành, Văn phòng Bộ có trách nhiệm gửi thông tư, thông tư liên tịch đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) và Vụ Pháp chế để kiểm tra theo quy định.
5. Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính: Công khai thủ tục hành chính tại văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp nhận, phân công xử lý và theo dõi, đôn đốc việc xử lý phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Công Thương quy định tại văn bản quy phạm pháp luật; chủ trì phân công các đơn vị chuyên môn thực hiện việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công Thương theo quy định tại Thông tư số 18/2018/TT-BCT.
6. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc sử dụng và quyết toán kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016.
Văn phòng Bộ có trách nhiệm trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương quy định trên.
Quy định về trách nhiệm của Văn phòng Bộ trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương? (Hình từ Internet)
Thi đua khen thưởng và xử lý trách nhiệm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương?
Theo Điều 15 Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm Quyết định 1982/QĐ-BCT năm 2022 quy định thi đua khen thưởng và xử lý trách nhiệm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Kết quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tính đến ngày 15 tháng 12 hằng năm là một trong những căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm đối với các đơn vị chủ trì, Lãnh đạo Bộ phụ trách, Thủ trưởng các đơn vị chủ trì theo quy định tại Điều 47 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
2. Đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và Lãnh đạo Bộ được giao nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực được phân công phụ trách không hoàn thành trách nhiệm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định tại Điều 48 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
3. Cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm lấy ý kiến Vụ Pháp chế về tiến độ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ khi tiến hành đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm đối với cá nhân, đơn vị thuộc Bộ.
Thi đua khen thưởng và xử lý trách nhiệm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương được quy định như trên.
Vụ Pháp chế có trách nhiệm gì trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương?
Tại Điều 13 Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm Quyết định 1982/QĐ-BCT năm 2022 quy định trách nhiệm của Vụ Pháp chế trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương như sau:
1. Thực hiện lấy ý kiến Lãnh đạo Bộ và gửi tổng hợp ý kiến các Lãnh đạo Bộ cho đơn vị chủ trì soạn thảo để giải trình, tiếp thu theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
2. Phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo để ký tắt vào dự thảo Thông tư, Thông tư liên tịch trình Bộ trưởng ký ban hành theo quy định tại Điều 39 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
3. Thực hiện việc đăng tải, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hợp nhất trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định tại Điều 36, Điều 37 và Điều 40 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
4. Phối hợp với các đơn vị trong công tác hợp nhất, pháp điển theo quy định tại Điều 41 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
5. Chủ trì việc dịch và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
Vụ Pháp chế có trách nhiệm trong phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương được quy định trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh