Quy định về trách nhiệm của đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương?
Trách nhiệm của đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm Quyết định 1982/QĐ-BCT năm 2022 quy định trách nhiệm của đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Các đơn vị chịu trách nhiệm rà soát và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, thẩm tra theo quy trình và thời hạn quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Chương II, Điều 18 và Điều 19 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
2. Đơn vị chủ trì đề xuất theo yêu cầu và hướng dẫn của Vụ Kế hoạch để đề xuất đưa văn bản quy phạm pháp luật vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3. Đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị chủ trì có trách nhiệm tiến hành các hoạt động theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
4. Trường hợp có sự điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đơn vị đề nghị điều chỉnh, bổ sung có trách nhiệm xin ý kiến và phải được sự đồng ý của Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, sau đó báo cáo Bộ trưởng đồng ý trước khi gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung Chương trình theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 08/2021/TT-BCT, trong đó nêu rõ nội dung, tiến độ cần điều chỉnh, bổ sung và giải trình cụ thể.
5. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ về việc đảm bảo tiến độ và chất lượng của công tác rà soát và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị.
6. Đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm báo cáo và được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực trước khi gửi hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân.
Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa đơn vị lập đề nghị và đơn vị khác trong Bộ, đơn vị lập đề nghị phải báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực về các nội dung còn ý kiến khác nhau.
Trách nhiệm của đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương được quy định như trên.
Quy định về trách nhiệm của đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của Vụ Pháp chế trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương?
Theo Điều 6 Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm Quyết định 1982/QĐ-BCT năm 2022 quy định trách nhiệm của Vụ Pháp chế như sau:
1. Cho ý kiến, thẩm tra đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định do đơn vị chủ trì đề xuất theo điểm e khoản 2 Điều 8 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
2. Tổng hợp, thẩm tra các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị chủ trì theo yêu cầu, quy định tại Chương II và Chương III Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
3. Trình Bộ trưởng dự thảo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và điều chỉnh, bổ sung Chương trình theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 08/2021/TT-BCT.
4. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc đảm bảo thời hạn và chất lượng kết quả thẩm tra các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kết quả thẩm định văn bản quy phạm pháp luật mà đơn vị gửi đến.
Trách nhiệm của Vụ Pháp chế trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương được quy định như trên.
Trách nhiệm của Vụ Kế hoạch trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương?
Tại Điều 7 Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm Quyết định 1982/QĐ-BCT năm 2022 quy định trách nhiệm của Vụ Kế hoạch
Vụ Kế hoạch có trách nhiệm tổng hợp và hướng dẫn các đơn vị đề xuất đưa các văn bản quy phạm pháp luật vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh