Phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng thuế suất bao nhiêu khi bán lá chè tươi cho hộ kinh doanh khác?
Bán lá chè tươi cho hộ kinh doanh khác phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng thuế suất bao nhiêu?
Tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định như sau:
5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.
Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
Theo đó, hộ kinh doanh của bạn sau khi thu mua lá chè của hộ trồng chè rồi bán ra cho hộ kinh doanh khác thì hộ kinh doanh của bạn phải kê khai, tính nộp thuế giá trị giá tăng theo tỷ lệ là 1% trên doanh thu.
Phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng thuế suất bao nhiêu khi bán lá chè tươi cho hộ kinh doanh khác? (Hình từ Internet)
Lập sai báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Khoản 2, Khoản 7 Điều 29 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được đính chính bởi Khoản 2 Công văn 29/CP-KTTH năm 2021 về xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn, cụ thể như sau:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế.
Trường hợp tổ chức, cá nhân tự phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì không bị xử phạt.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 5 Điều này.
Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền, theo đó:
a) Mức phạt tiền quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, khoản 1, 2 Điều 19 và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
b) Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
c) Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng đã được sử dụng để xác định khung tiền phạt thì không được sử dụng khi xác định số tiền phạt cụ thể theo điểm d khoản này.
d) Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn và hành vi tại Điều 19 Nghị định này là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Như vậy, khi cá nhân lập sai báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, còn phải buộc lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn.
Với tổ chức thì mức phạt tiền khi lập sai báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Dịch vụ về hóa đơn điện tử bao gồm dịch vụ nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 92 Luật Quản lý thuế 2019 quy định dịch vụ về hóa đơn điện tử, như sau:
1. Dịch vụ về hóa đơn điện tử bao gồm dịch vụ cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, dịch vụ truyền dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế từ người nộp thuế tới cơ quan thuế và dịch vụ về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Với quy định này thì dịch vụ về hóa đơn điện tử bao gồm dịch vụ như trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài