Có cấm người lao động ký nhiều hợp đồng lao động cùng một lúc không?

Chào Ban biên tập, em có vấn đề này cần được giải đáp. Em có ký hợp đồng lao động với Công ty E làm việc từ 8 giờ sáng đến 5h chiều (thứ 2 đến thứ 6 mỗi tuần). Bây giờ em muốn ký thêm một hợp đồng người mẫu tay với tiệm nail O làm việc từ 6 giờ tối đến 9 giờ tối (tất cả ngày trong tuần) thì có được không ạ? Em thắc mắc là em có thể ký nhiều hợp đồng lao động cùng một lúc hay không? Rất mong được Ban biên tập giải đáp vấn đề này, em xin chân thành cảm ơn.

Người lao động có được ký nhiều hợp đồng lao động cùng một lúc không?

Căn cứ Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 quy định giao kết nhiều hợp đồng lao động như sau:

1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy, theo quy định trên thì người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động cùng một lúc. Bạn vẫn có thể giao kết hợp đồng với tiệm nail O khi bạn đã giao kết hợp đồng lao động với Công ty E. Lưu ý là bạn phải bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cả Công ty E và tiệm nail O.

Có cấm người lao động ký nhiều hợp đồng lao động cùng một lúc không?

Có cấm người lao động ký nhiều hợp đồng lao động cùng một lúc không? (Hình từ Internet)

Bảo hiểm xã hội được người lao động và người sử dụng lao động đóng như nào khi ký kết nhiều hợp đồng lao động cùng lúc?

Tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động quy định điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Người lao động quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 của Luật này, mức đóng và phương thức đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Theo Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 92 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:
a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
b) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:
22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
3. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này.
4. Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này.
...

Căn cứ Điều 43 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định.

Do đó, theo những quy định trên thì người lao động và người sử dụng lao động phải nộp những bảo hiểm xã hội bắt buộc sau:

- Đối với quỹ ốm đau, thai sản, hưu trí, trợ cấp thất nghiệp và tử tuất thì người sử dụng lao động của hợp đồng giao kết đầu tiên sẽ nộp.

- Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo từng hợp đồng lao động.

Người lao động có những quyền gì?

Tại Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có các quyền sau đây:

a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
e) Đình công;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những quy định của pháp luật về quyền của người lao động.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng lao động

Vũ Thiên Ân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào