Có phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng không khi hộ gia đình vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất công nghiệp?
- Hộ gia đình vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất công nghiệp có phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng?
- Hộ gia đình vay vốn ngân hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho Ngân hàng có được giữ nguyên nhóm nợ không?
- Ngân hàng thực hiện việc trích lập dự phòng để xử lý rủi ro như thế nào?
Hộ gia đình vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất công nghiệp có phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng?
Tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Khoản 4 Điều 9 Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định cơ chế bảo đảm tiền vay, cụ thể như sau:
4. Các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này không phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Theo Điều 4 Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo đó:
1. Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ.
2. Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn.
3. Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp.
4. Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn.
5. Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
6. Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn.
7. Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.
Theo đó, khi bạn vay vốn tại ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn thì khi chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng bạn sẽ không phải đóng phí chứng thực.
Có phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng không khi hộ gia đình vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất công nghiệp? (Hình từ Internet)
Hộ gia đình vay vốn ngân hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho Ngân hàng có được giữ nguyên nhóm nợ không?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 55/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ và cho vay mới, theo đó:
1. Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; đồng thời căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng.
2. Trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này được tổ chức tín dụng đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho tổ chức tín dụng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; thời gian khoanh nợ tối đa là 02 (hai) năm. Riêng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này thời gian khoanh nợ tối đa là 03 (ba) năm. Các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị khoanh nợ
a) Hồ sơ đề nghị khoanh nợ bao gồm:
(i) Văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh;
(ii) Giấy đề nghị khoanh nợ do khách hàng lập;
(iii) Tài liệu chứng minh khách hàng có dư nợ vay tại tổ chức tín dụng, bao gồm: Bản sao hợp đồng tín dụng, các giấy tờ nhận nợ;
(iv) Biên bản xác định khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay, trong đó ghi rõ mức độ bị thiệt hại do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng có xác nhận của tổ chức tín dụng, khách hàng và cơ quan có thẩm quyền (xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác);
(v) Báo cáo thẩm định của chi nhánh tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân về mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ của khách hàng; phương án sản xuất kinh doanh, phương án kế hoạch trả nợ của khách hàng sau thời gian khoanh nợ; đề xuất của chi nhánh tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân về thời gian khoanh nợ cho khách hàng.
b) Trình tự, thủ tục đề nghị khoanh nợ
(i) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc từ ngày xảy ra thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, chi nhánh tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân phối hợp với khách hàng lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và tổng hợp Danh sách khách hàng đề nghị khoanh nợ theo Mẫu biểu số 01 đính kèm Nghị định này gửi Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
(ii) Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị khoanh nợ và Danh sách khách hàng đề nghị khoanh nợ của chi nhánh tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp Sở Tài chính kiểm tra, xác nhận tính hợp pháp của hồ sơ, số liệu và tổng hợp Danh sách khách hàng đề nghị khoanh nợ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận và lập báo cáo theo Mẫu biểu số 02 đính kèm Nghị định này kèm theo văn bản đề nghị khoanh nợ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính;
(iii) Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận Danh sách khách hàng đề nghị khoanh nợ, chi nhánh tổ chức tín dụng tổng hợp toàn bộ hồ sơ, tài liệu nêu tại ý (i) và ý (ii) điểm b khoản 3 Điều này báo cáo trụ sở chính tổ chức tín dụng để kiểm tra, đảm bảo tính chính xác của các hồ sơ, số liệu đề nghị khoanh nợ; trên cơ sở kết quả kiểm tra, trụ sở chính tổ chức tín dụng lập Danh sách khách hàng đề nghị khoanh nợ theo Mẫu biểu số 03 đính kèm Nghị định này và tổng hợp toàn bộ hồ sơ đề nghị khoanh nợ để báo cáo và đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính xem xét, xử lý khoanh nợ cụ thể;
(iv) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị khoanh nợ quy định tại ý (ii) và ý (iii) điểm b khoản 3 Điều này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc khoanh nợ theo quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét quyết định việc khoanh nợ trong trường hợp tổng số tiền đề nghị khoanh nợ của các tổ chức tín dụng trong cùng một đợt thiên tai, dịch bệnh hoặc cùng đợt xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này từ 01 (một) tỷ đồng trở xuống; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nếu tổng số tiền đề nghị khoanh nợ của các tổ chức tín dụng trên 01 (một) tỷ đồng. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính không thống nhất được việc khoanh nợ trong trường hợp tổng số tiền đề nghị khoanh nợ của các tổ chức tín dụng từ 01 (một) tỷ đồng trở xuống, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Với quy định này khi hộ gia bạn chưa trả được nợ đúng hạn cho phía ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì ngân hàng sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho bạn.
Ngân hàng thực hiện việc trích lập dự phòng để xử lý rủi ro như thế nào?
Tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, cụ thể như sau:
1. Tổ chức tín dụng thực hiện việc trích lập dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định:
a) Đối với khoản cho vay không có tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 2 Điều 9, Điều 14 và Điều 15 của Nghị định này, tổ chức tín dụng được áp dụng mức trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu bằng 50% mức trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành đối với các khoản cho vay tương tự thuộc các lĩnh vực khác;
b) Đối với khoản cho vay có tài sản bảo đảm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với tài sản bảo đảm phù hợp với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn trong từng thời kỳ.
Như vậy, Ngân hàng thực hiện việc trích lập dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài