Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi làm giả chứng chỉ ngoại ngữ để được ra trường?
- Làm giả chứng chỉ ngoại ngữ để được ra trường thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
- Trung tâm ngoại ngữ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập có được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hay không?
- Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được quy định như thế nào?
Làm giả chứng chỉ ngoại ngữ để được ra trường thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tại Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Căn cứ theo quy định hiện hành, trường hợp bạn làm giả chứng chỉ ngoại ngữ để được ra trường thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tùy vào tính chất, mức độ và hành vi của bạn.
Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi làm giả chứng chỉ ngoại ngữ để được ra trường? (Hình từ Internet)
Trung tâm ngoại ngữ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập có được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hay không?
Tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT có quy định về đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ như sau:
Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (sau đây gọi tắt là đơn vị tổ chức thi) bao gồm:
1. Cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài) hoặc sư phạm tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên), đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ: Được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
2. Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học - ngoại ngữ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc sở GDĐT (nếu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) quyết định thành lập: Được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh phổ thông).
Theo đó, Trung tâm ngoại ngữ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 theo khung ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam dành cho học sinh phổ thông.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được quy định như thế nào?
Tại Điều 2 Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT có quy định về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài như sau:
1. Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là văn bản xác nhận kết quả thi năng lực ngoại ngữ do cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cấp cho người dự thi. Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không phải là chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam (sau đây gọi là Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam) với cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài) thông qua văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng liên kết để thực hiện một trong những việc: đăng ký dự thi, sử dụng địa điểm, tổ chức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
3. Đối tượng liên kết, hồ sơ đề nghị phê duyệt, thủ tục phê duyệt, thẩm quyền phê duyệt, thời hạn, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, chấm dứt liên kết và chế độ báo cáo thực hiện theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
4. Đề án thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam của Cơ sở tổ chức thi của Việt Nam và Cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (sau đây gọi là Các bên liên kết) phải mô tả rõ mức độ đáp ứng các yếu tố bảo đảm chất lượng quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
Như vậy, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài sẽ được thực hiện theo quy định trên.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân