Đối với cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị được quy định như thế nào?
Quy định đối với cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị là gì?
Tại Điều 15 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định đối với cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị như sau:
1. Đối với cây xanh trên đường phố
a) Cây bóng mát trồng trên đường phố phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật và khoảng cách cây trồng, chiều cao, đường kính cây;
b) Việc lựa chọn các hình thức bố trí cây, loại cây trồng trên đường phố phải phù hợp với từng loại đường phố, đặc thù của mỗi đô thị và phải bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tại các đảo giao thông việc bố trí các loại cây xanh phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông;
c) Cây xanh được trồng dưới đường dây điện phải đảm bảo hành lang an toàn lưới điện theo quy định của pháp luật về điện lực;
d) Trên các tuyến đường phố đô thị cây bóng mát phải được đánh số cây để lập hồ sơ quản lý cây và định kỳ kiểm tra theo quy trình kỹ thuật quy định;
đ) Trồng cây xanh không che khuất biển báo hiệu đường bộ và đèn tín hiệu giao thông.
2. Đối với cây xanh trong công viên – vườn hoa, quảng trường và các khu vực công cộng khác của đô thị.
a) Cây xanh trồng trong công viên, vườn hoa, quảng trường, ven hồ nước, hai bên bờ sông và các khu vực công cộng khác của đô thị phải tuân thủ quy hoạch chi tiết cây xanh, công viên – vườn hoa hoặc quy hoạch chi tiết đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ dịch chuyển, chặt hạ cây xanh phải tuân thủ các quy định tại Điều 11, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này.
3. Cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải được đầu tư phát triển theo kế hoạch hàng năm của đô thị.
Trên đây là quy định đối với cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị.
Đối với cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy định đối với cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị như thế nào?
Tại Điều 16 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định đối với cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị như sau:
1. Các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.
2. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm đ của khoản 2; khoản 4; điểm a, điểm c, điểm d của khoản 7 Điều 14 của Nghị định này.
3. Việc trồng cây trang trí, cây cảnh, cây hoa trên các ban công, sân thượng phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Trên đây là quy định đối với cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị.
Quy định đối với cây được bảo tồn trong đô thị và đối với cây nguy hiểm trong đô thị ra sao?
Tại Điều 17 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định đối với cây được bảo tồn trong đô thị như sau:
1. Các loại cây được bảo tồn phải thống kê về số lượng, chất lượng, đánh số cây, treo biển tên, lập hồ sơ, đồng thời phải có chế độ chăm sóc đặc biệt và bảo vệ cho từng cây để phục vụ công tác bảo tồn.
2. Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý ban hành danh mục cây cần được bảo tồn trên địa bàn do mình quản lý.
Tại Điều 18 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định đối với cây nguy hiểm trong đô thị như sau:
1. Cây nguy hiểm trong đô thị phải có biện pháp bảo vệ và có kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển kịp thời. Cây trồng mới phải bảo đảm theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
2. Đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi tình trạng phát triển của cây; lập kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển cây trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồng thời tổ chức triển khai thực hiện.
Trên đây là quy định đối với cây được bảo tồn trong đô thị và đối với cây nguy hiểm trong đô thị.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi