Quy định về thủ tục thực hiện Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ là gì?
Thủ tục thực hiện Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ được quy định như thế nào?
Tại Điều 8 Nghị định 02/2012/NĐ-CP quy định về thủ tục thực hiện Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ như sau:
Thủ tục thực hiện Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ
1. Ngay sau khi nhận được Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hoặc trong trường hợp hết thời hạn bắt giữ tàu bay theo quy định, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm:
a) Ra ngay Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay.
Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay kèm theo bản chụp Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ hoặc bản chụp Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay phải được gửi ngay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, người khai thác cảng hàng không sân bay, người khai thác tàu bay và người chỉ huy tàu bay qua mạng viễn thông hàng không (ATN).
Mẫu Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay và Biên bản giao nhận Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV của Nghị định này.
b) Chủ trì phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay và hãng hàng không, người khai thác tàu bay và các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay triển khai các công việc cần thiết để cho phép tàu bay cất cánh và giải quyết các công việc có liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa theo chuyến bay.
2. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi ngay Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay cho Tòa án đã ra Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay.
3. Tàu bay có Quyết định được thả chỉ được tiếp tục đưa vào khai thác sau khi người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay đã thanh toán hoặc thỏa thuận thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay.
4. Sau 30 ngày, kể từ ngày ra Quyết định hủy Quyết định thực hiện việc bắt giữ tàu bay mà không có sự liên lạc của người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay bị bắt giữ, Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Cảng vụ hàng không hoặc Trưởng Đại diện Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo tới Nhà chức trách hàng không của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đồng thời thông báo 03 lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương nơi tàu bay bị bắt giữ về yêu cầu nhận lại tàu bay.
Như vậy, ngay sau khi nhận được Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ, Quyết định hủy Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hoặc trong trường hợp hết thời hạn bắt giữ tàu bay theo quy định.
Quy định về thủ tục thực hiện Quyết định thả tàu bay đang bị bắt giữ là gì? (Hình từ Internet)
Các trường hợp tàu bay bị bỏ được pháp luật quy định thế nào?
Tại Điều 9 Nghị định 02/2012/NĐ-CP quy định về các trường hợp tàu bay bị bỏ như sau:
- Sau khi Quyết định bắt giữ tàu bay của Tòa án hết hiệu lực mà không cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào đứng ra thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu bay đó.
- Chủ sở hữu tàu bay tuyên bố bằng văn bản việc từ bỏ tàu bay mà không chuyển quyền và nghĩa vụ liên quan đến tàu bay đó cho tổ chức bảo hiểm hợp pháp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác. Văn bản tuyên bố bỏ tàu bay của chủ sở hữu tàu bay phải được gửi cho Tòa án ra Quyết định bắt giữ tàu bay hoặc Cục Hàng không Việt Nam. Trường hợp tàu bay là tài sản của nhiều chủ sở hữu thì việc từ bỏ tàu bay phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Sau 60 ngày, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam đăng thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với Cục Hàng không Việt Nam để nhận lại tàu bay, trừ trường hợp người có quyền và lợi ích liên quan đến tàu bay khởi kiện vụ án tại Tòa án để giải quyết tranh chấp và Tòa án thụ lý vụ việc.
- Sau 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn hợp đồng sử dụng bãi đỗ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với người khai thác cảng hàng không, sân bay để giải quyết việc sử dụng bãi đỗ tàu bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới Nhà chức trách hàng không của quốc gia nơi tàu bay đăng ký quốc tịch. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đồng thời thông báo 03 lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương về yêu cầu nhận lại tàu bay. Sau 60 ngày, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam đăng thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không liên lạc với Cục Hàng không Việt Nam để nhận lại tàu bay.
Thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ được thực hiện như thế nào?
Tại Điều 10 Nghị định 02/2012/NĐ-CP quy định về thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ như sau:
1. Trong trường hợp tàu bay bị bỏ quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này, Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay có trách nhiệm bán đấu giá tàu bay.
2. Thủ tục bán đấu giá tàu bay và việc thanh toán bán đấu giá tàu bay thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 11 Nghị định 02/2012/NĐ-CP quy định về thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ như sau:
1. Trong trường hợp tàu bay bị bỏ quy định tại khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 9 Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của người có trách nhiệm chuyển giao tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Tiền bán đấu giá được ký gửi vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” của Cục Hàng không Việt Nam tại Ngân hàng được phép hoạt động ở Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến việc bán đấu giá.
2. Thủ tục bán đấu giá tàu bay thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Sau 03 năm, kể từ ngày Cục Hàng không Việt Nam gửi tiền vào “Tài khoản tiền quản lý, giữ hộ” mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có yêu cầu nhận lại thì số tiền đó được sung công quỹ. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm cập nhật thông tin về việc tàu bay mang đăng ký quốc tịch Việt Nam bị bán đấu giá vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
4. Việc thanh toán tiền bán đấu giá tàu bay được thanh toán theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Án phí và các chi phí cho việc thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm bằng việc bán đấu giá tàu bay;
b) Tiền công gìn giữ, cứu hộ tàu bay và các chi phí có liên quan đến việc gìn giữ, cứu hộ tàu bay;
c) Các khoản nợ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
d) Người thứ ba dưới mặt đất bị thiệt hại;
đ) Các khoản nợ về các quyền, lợi ích đối với tàu bay được đăng ký hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án;
e) Các khoản khác theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quy định của pháp luật.
Khi tàu bay bị bỏ Tòa án đã ra Quyết định bắt giữ tàu bay có trách nhiệm bán đấu giá tàu bay.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi