Cha mẹ có cần phải làm hợp đồng công chứng khi tặng nhà ở cho con không?
Cha mẹ tặng nhà ở cho con có cần phải làm hợp đồng công chứng không?
Theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì:
1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.
Như vậy, theo quy định trên đây thì đối với trường hợp tặng cho nhà ở thì phải lập hợp đồng tặng cho và thực hiện công chứng, chứng thực. Dù là tặng nhà cho con thì bạn cũng phải làm hợp đồng tặng cho và có công chứng, chứng thực. Hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng. Khi thực hiện chứng thực hợp đồng tặng cho thì con bạn mới có thể làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Cha mẹ có cần phải làm hợp đồng công chứng khi tặng nhà ở cho con không? (Hình từ Internet)
Đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở có phải báo trước không?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 158 Luật Nhà ở 2014 thì bên ủy quyền quản lý nhà ở đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền trong các trường hợp sau đây:
- Nếu việc ủy quyền có chi phí quản lý thì bên ủy quyền không phải báo trước cho bên được ủy quyền biết về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền nhưng phải thanh toán cho bên được ủy quyền chi phí quản lý tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và phải bồi thường thiệt hại cho bên được ủy quyền;
- Nếu việc ủy quyền không có chi phí quản lý thì bên ủy quyền phải thông báo cho bên được ủy quyền biết trước ít nhất 30 ngày về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy thì chỉ trong trường hợp quan hệ ủy quyền không có chi phí quản lý thì bên ủy quyền khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mới phải báo trước. Còn trường hợp ủy quyền không có chi phí thì không phải báo trước nhưng phải thanh toán chi phí quản lý và bồi thường thiệt hại cho bên kia.
Bên được ủy quyền quản lý nhà ở có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền trong các trường hợp nào?
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 158 Luật Nhà ở 2014 thì bên được ủy quyền quản lý nhà ở có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền trong các trường hợp sau đây:
- Nếu việc ủy quyền có chi phí quản lý thì không phải báo trước cho bên ủy quyền biết về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền nhưng phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền (nếu có);
- Nếu việc ủy quyền không có chi phí quản lý thì phải thông báo cho bên ủy quyền biết trước ít nhất 30 ngày về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trên đây nội dung trả lời về các trường hợp bên được ủy quyền quản lý nhà ở có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về vấn đề này tại Luật Nhà ở 2014.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân