Thông tấn xã Việt Nam có vị trí và chức năng như thế nào?
Vị trí và chức năng của Thông tấn xã Việt Nam được quy định như thế nào?
Tại Điều 1 Nghị định 87/2022/NĐ-CP quy định vị trí và chức năng của Thông tấn xã Việt Nam được quy định như sau:
1. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.
2. Thông tấn xã Việt Nam có tên viết tắt tiếng Việt là TTXVN; tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Vietnam News Agency, viết tắt là VNA.
3. Thông tấn xã Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí, xuất bản.
Như vậy, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước
Nhiệm vụ và quyền hạn của Thông tấn xã Việt Nam?
Tại Điều 2 Nghị định 87/2022/NĐ-CP quy định Thông tấn xã Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
- Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm, các dự án, đề án quan trọng của Thông tấn xã Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
- Đăng, phát văn kiện, thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước; thu thập, biên soạn thông tin phổ biến và thông tin báo cáo, tham khảo bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng phục vụ kịp thời yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
- Công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự; chỉnh hướng những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia; phản bác, cải chính những thông tin sai lệch; khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc.
- Thu thập, biên soạn, xuất bản, in, phát hành các xuất bản phẩm và các sản phẩm thuộc các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác ở trong và ngoài nước.
- Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia; thu thập, biên soạn và phổ biến thông tin về Việt Nam bằng các ngôn ngữ khác nhau cho các cơ quan, tổ chức trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài; người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.
- Thực hiện lưu trữ tư liệu thông tin; xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin; quản lý tư liệu ảnh quốc gia và tổ chức khai thác các nguồn tư liệu này phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền đối nội, đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam và đáp ứng nhu cầu của các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
- Thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số.
- Cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
- Tổ chức thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam.
- Thực hiện hợp tác quốc tế về các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thông tấn xã Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức quản lý các doanh nghiệp do Thông tấn xã Việt Nam thành lập.
- Quản lý, quyết định các dự án đầu tư và xây dựng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia thẩm định các đề án, dự án, chương trình quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
- Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật; trường hợp có đặc thù riêng, Thông tấn xã Việt Nam đề xuất và phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về cơ chế tự chủ tài chính đặc thù của Thông tấn xã Việt Nam.
- Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Thông tấn xã Việt Nam theo mục tiêu và nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã được Chính phủ ban hành.
- Quản lý về tổ chức bộ máy, số lượng viên chức và người lao động, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, cách chức, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ khác đối với viên chức, người lao động thuộc Thông tấn xã Việt Nam quản lý theo quy định.
- Tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
- Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công được giao ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan; điều phối các nguồn tài chính giữa các đơn vị trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan khác có thẩm quyền.
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
Quy định về cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam như thế nào?
Tại Điều 3 Nghị định 87/2022/NĐ-CP quy định về cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam như sau:
1. Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại.
2. Văn phòng.
3. Ban Tổ chức - Cán bộ.
4. Ban Kế hoạch - Tài chính.
5. Ban biên tập tin Trong nước.
6. Ban biên tập tin Thế giới.
7. Ban biên tập tin Đối ngoại.
8. Ban biên tập Ảnh.
9. Ban biên tập tin Kinh tế.
10. Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa.
11. Trung tâm Truyền hình Thông tấn.
12. Báo Tin tức.
13. Báo Thể thao và Văn hóa.
14. Báo điện tử VietnamPlus.
15. Báo Việt Nam News.
16. Báo Le Courrier du Vietnam.
17. Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum.
18. Báo ảnh Việt Nam.
19. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi.
20. Nhà xuất bản Thông tấn.
21. Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam.
22. Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
23. Các cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo quy định của pháp luật.
24. Các cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật.
25. Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn.
26. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn.
27. Trung tâm Phát triển Truyền thông Thông tấn.
28. Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn.
Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này là tổ chức giúp việc Tổng giám đốc; các đơn vị quy định từ khoản 5 đến khoản 24 Điều này là các đơn vị thông tin; các đơn vị quy định từ khoản 25 đến khoản 28 Điều này là các đơn vị phục vụ thông tin.
Văn phòng có 06 phòng, Ban Kế hoạch - Tài chính có 04 phòng.
Như vậy, cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam gồm 28 cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Lãnh đạo của Thông tấn xã Việt Nam được quy định như thế nào?
Tại Điều 4 Nghị định 87/2022/NĐ-CP lãnh đạo của Thông tấn xã Việt Nam được quy định như sau:
- Thông tấn xã Việt Nam có Tổng giám đốc và không quá 04 Phó Tổng giám đốc.
- Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
- Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam. Các Phó Tổng giám đốc giúp việc Tổng giám đốc, chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
- Tổng giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các đơn vị trực thuộc.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân