Nghĩa vụ của thành viên bù trừ chứng khoán có những gì?
Nghĩa vụ của thành viên bù trừ chứng khoán gồm những gì?
Cho tôi hỏi theo quy định mới điều chỉnh về hoạt động chứng khoán, thì thành viên bù trừ chứng khoán có những nghĩa vụ nào? Nhờ ban biên tập hỗ trợ giải đáp, cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ khoản 5 Điều 56 Luật Chứng khoán 2019 quy định thành viên bù trừ có các nghĩa vụ sau đây:
- Ký quỹ đầy đủ, kịp thời cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; đóng góp vào quỹ bù trừ và trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
- Thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro trong từng nghiệp vụ; quản lý tách biệt tài sản, vị thế giao dịch của nhà đầu tư;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Nghĩa vụ của thành viên bù trừ chứng khoán có những gì? (Hình từ Internet)
Những hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm gì?
Được biết mới có Luật Chứng khoán, cho tôi hỏi theo luật mới này thì hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán gồm những hoạt động nào?
Trả lời:
Căn cứ khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định như sau:
Hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.
Trường hợp được miễn chào mua công khai chứng khoán bao gồm?
Cho tôi hỏi theo quy định điều chỉnh về lĩnh vực chứng khoán mới được Quốc hội thông qua, thì có những trường hợp nào được miễn chào mua công khai chứng khoán?
Trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều 35 Luật Chứng khoán 2019 quy định các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không phải chào mua công khai nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng mới phát hành dẫn đến việc sở hữu đạt các mức theo quy định tại khoản 1 Điều này theo phương án phát hành đã được Đại hội đồng cổ đông công ty đại chúng, Ban đại diện quỹ đóng thông qua;
- Nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành dẫn đến việc sở hữu đạt các mức theo quy định tại khoản 1 Điều này đã được Đại hội đồng cổ đông công ty đại chúng, Ban đại diện quỹ đóng thông qua.
Trong các trường hợp này, Đại hội đồng cổ đông, Ban đại diện quỹ đóng phải xác định rõ đối tượng chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng;
- Chuyển nhượng cổ phiếu giữa các công ty hoạt động theo nhóm công ty bao gồm tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con và không dẫn đến trường hợp sở hữu chéo theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
- Tổ chức, cá nhân sở hữu cổ phiếu trong các đợt đấu giá chứng khoán chào bán ra công chúng, các đợt chào bán khi chuyển nhượng vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác;
- Tổ chức, cá nhân sở hữu cổ phiếu từ hoạt động chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;
- Tặng cho, thừa kế cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng;
- Chuyển nhượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài.
Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh