Trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 việc phát triển thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán thực hiện thế nào?
- Phát triển thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 thế nào?
- Trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các hội nghề nghiệp quy định như thế nào?
- Phát triển nguồn nhân lực về kế toán kiểm toán trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 ra sao?
Phát triển thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 thế nào?
Tại tiểu mục 4 Mục IV Điều 1 Quyết định 633/QĐ-TTg năm 2022 quy định về phát triển thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán trong Chiến lược kế toán - kiểm toán như sau:
- Nghiên cứu xác định đối tượng phải thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính một cách phù hợp; quy định rõ tiêu chí đối với các doanh nghiệp phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm và minh bạch thông tin tài chính, kế toán nhằm nâng cao yêu cầu, chất lượng dịch vụ, tính hiệu quả trong việc công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính.
- Xác định tiêu chí đối với các đơn vị có lợi ích công chúng theo hướng bổ sung các đối tượng cần thiết, cùng với các yêu cầu về công khai, minh bạch báo cáo tài chính chặt chẽ và hiệu quả hơn nhằm đảm bảo lợi ích công chúng và sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế.
Nghiên cứu, xác định về đối tượng kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm là các đơn vị sự nghiệp công lập quy mô lớn, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên.
- Xây dựng các tiêu chí định hướng về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp kiểm toán, doanh nghiệp dịch vụ kế toán phù hợp với yêu cầu của thực tế, thông qua việc hoàn thiện cơ chế và điều kiện hành nghề; tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên; thực hiện hiệu quả các giải pháp đối với nguồn cung dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán.
- Hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định pháp lý, tạo cơ sở và điều kiện cho việc đàm phán, tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kế toán - kiểm toán với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá và các dịch vụ khác; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu làm cơ sở xác định các chỉ số tài chính.
Theo đó, phát triển thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 bao gồm: Nghiên cứu xác định đối tượng phải thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính một cách phù hợp; nghiên cứu, xác định về đối tượng kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm là các đơn vị sự nghiệp công lập quy mô lớn, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên; thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá và các dịch vụ khác.
Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 (Hình từ Internet)
Trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các hội nghề nghiệp quy định như thế nào?
Theo tiểu mục 5 Mục IV Điều 1 Quyết định 633/QĐ-TTg năm 2022 quy định về phát triển các hội nghề nghiệp trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 như sau:
- Căn cứ quy định của pháp luật về Hội, pháp luật về kế toán - kiểm toán, xây dựng ban hành các quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán - kiểm toán; xây dựng mô hình tổ chức hoạt động nghề nghiệp thống nhất, tự quản, chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
- Nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực và quy định về đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên, kiểm toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán - kiểm toán.
- Nghiên cứu để chuyển giao các hoạt động nghề nghiệp phù hợp với pháp luật và năng lực của hội nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ổn định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy hội nhập kế toán - kiểm toán.
Phát triển nguồn nhân lực về kế toán kiểm toán trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 ra sao?
Căn cứ tiểu mục 6 Mục IV Điều 1 Quyết định 633/QĐ-TTg năm 2022 quy định về phát triển nguồn nhân lực về kế toán - kiểm toán đến năm 2030 trong Chiến lược kế toán - kiểm toán như sau:
- Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán, kết hợp lý luận và thực tiễn, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số về kế toán - kiểm toán.
Quan tâm đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao về kế toán - kiểm toán, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các tổ chức khác trong toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
- Đổi mới phương thức học, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu, thông lệ quốc tế, đảm bảo các điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới, đến năm 2030 đạt số lượng 15.000 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên.
- Nâng cao ý thức kỷ luật, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên, kiểm toán viên thông qua việc đổi mới quy định về nội dung, hình thức đào tạo, cập nhật kiến thức; quan tâm, khuyến khích các chương trình đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế.
- Đổi mới nội dung, hình thức và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kế toán trưởng; xây dựng nội dung, chương trình cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho kế toán trưởng của các đơn vị có lợi ích công chúng.
- Có giải pháp hỗ trợ để nâng cao trình độ và hoạt động nghiệp vụ của đội ngũ kế toán làm việc trong các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo