Trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030, nhiệm vụ Ban hành Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập là gì?
- Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về Ban hành Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 là gì?
- Trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030, nhiệm vụ, giải pháp về ban hành, công bố các hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán quy định như thế nào?
- Tăng cường năng lực cơ quan quản lý, giám sát về kế toán kiểm toán trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 ra sao?
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về Ban hành Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 là gì?
Theo tiểu mục 1 Mục IV Điều 1 Quyết định 633/QĐ-TTg năm 2022 quy định về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về Ban hành Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập trong Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 như sau:
- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập; nghiên cứu xây dựng Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập theo hướng bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế cho các Luật hiện hành theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện Việt Nam và khắc phục các tồn tại hiện nay, làm cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về kế toán - kiểm toán.
- Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật, đảm bảo cụ thể hóa các quy định để tổ chức triển khai đúng tinh thần quy định của Luật. Ban hành các văn bản phù hợp để công bố áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế; ban hành và hướng dẫn thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam; công bố và hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán công Việt Nam; ban hành và hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ của Việt Nam.
- Ban hành các nguyên tắc, quy định thuộc phạm vi kế toán - kiểm toán phục vụ thị trường tài chính, chứng khoán và các dịch vụ khác; phục vụ việc công bố báo cáo tài chính theo IFRS đối với các công ty niêm yết và các công ty có lợi ích công chúng khác; quản lý hành nghề, điều kiện kinh doanh trong khung khổ pháp lý đồng bộ và phù hợp yêu cầu thực tế nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ.
- Tiêu chuẩn hóa các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng đối với dịch vụ kế toán - kiểm toán; quy định các chế tài xử lý vi phạm đảm bảo tính răn đe, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý hoạt động kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính, việc chấp hành pháp luật kế toán - kiểm toán đảm bảo đồng bộ, đầy đủ, thống nhất giữa các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030, nhiệm vụ Ban hành Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập là gì? (Hình từ Internet)
Trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030, nhiệm vụ, giải pháp về ban hành, công bố các hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán quy định như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 2 Mục IV Điều 1 Quyết định 633/QĐ-TTg năm 2022 quy định về nhiệm vụ, giải pháp về ban hành, công bố các hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán như sau:
a) Xác định khung báo cáo phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của thông tin tài chính, kế toán. Triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam theo lộ trình do Bộ Tài chính xác định đối với các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng. Xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam thay thế hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Ban hành các văn bản hướng dẫn kế toán phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
b) Công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách quản lý tài chính công và ngân sách nhà nước của Việt Nam. Hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam đảm bảo yêu cầu tạo lập cơ sở thống nhất cho việc ghi chép kế toán, là mực thước và khuôn mẫu lập và trình bày thông tin tài chính của các đơn vị kế toán thuộc khu vực Nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước và chính quyền địa phương.
c) Cập nhật, ban hành mới và triển khai áp dụng hệ thống chuẩn mực kiểm toán độc lập và các chuẩn mực nghề nghiệp khác phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tế và điều kiện của Việt Nam. Nghiên cứu, cập nhật các chuẩn mực về kiểm toán nội bộ, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, tiếp tục xây dựng, công bố các tài liệu hướng dẫn phục vụ việc triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ áp dụng cho các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị sự nghiệp có quy mô lớn.
Tăng cường năng lực cơ quan quản lý, giám sát về kế toán kiểm toán trong Chiến lược kế toán kiểm toán đến năm 2030 ra sao?
Tại tiểu mục 3 Mục IV Điều 1 Quyết định 633/QĐ-TTg năm 2022 quy định về tăng cường năng lực cơ quan quản lý, giám sát về kế toán - kiểm toán và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật về kế toán - kiểm toán như sau:
a) Có giải pháp phù hợp thu hút nhân sự có chất lượng cao để thực hiện tốt và có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, giám sát về kế toán - kiểm toán. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và triển khai phương án phù hợp để tổ chức hoạt động theo mô hình tham vấn ý kiến tư vấn về kế toán - kiểm toán, nhằm có các quyết định phù hợp với thông lệ quốc tế, pháp luật của Việt Nam và thực tiễn của đơn vị.
b) Đổi mới và triển khai hiệu quả nội dung, phương thức và điều kiện thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán - kiểm toán. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính và việc chấp hành pháp luật kế toán - kiểm toán. Phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp, cơ sở đào tạo và đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực tế về hành nghề kế toán - kiểm toán để tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ kế toán - kiểm toán, ngoại ngữ, kỹ năng kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính, việc tuân thủ pháp luật kế toán - kiểm toán.
c) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về kế toán - kiểm toán của các doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Chú trọng đến cơ chế giám sát việc tuân thủ chuẩn mực kế toán của các công ty niêm yết và các công ty có lợi ích công chúng khác. Đảm bảo điều kiện để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chuẩn mực kế toán - kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
d) Cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các cá nhân trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch tình hình tài chính, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư và các bên liên quan đối với báo cáo tài chính và các thông tin tài chính khác.
đ) Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán; việc tổ chức hệ thống thông tin, sử dụng phần mềm phục vụ công tác kế toán - kiểm toán tại các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán. Thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán, cơ quan, tổ chức kinh tế; trong đó lưu ý đối với đơn vị có lợi ích công chúng.
e) Tăng cường việc kiểm tra, hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo