Tại phiên tòa xét xử, cần bố trí tối thiểu bao nhiêu cán bộ công an làm công tác bảo vệ phiên tòa?
Tại phiên tòa xét xử, cần bố trí tối thiểu bao nhiêu cán bộ công an làm công tác bảo vệ phiên tòa?
Tại Điều 6 Thông tư 13/2016/TT-BCA có quy định về bố trí lực lượng bảo vệ phiên tòa như sau:
1. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất vụ án, nơi xét xử, số lượng bị cáo, người làm chứng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa để bố trí lực lượng bảo vệ phiên tòa cho phù hợp. Mỗi phiên tòa phải cử ít nhất 02 cán bộ, chiến sĩ trở lên thực hiện bảo vệ phiên tòa.
2. Những phiên tòa xét xử vụ án phức tạp gây dư luận bức xúc trong xã hội, phạm tội có tổ chức, phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, các phiên tòa xét xử lưu động thì có thể tăng cường lực lượng, trang bị thêm phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo từng khu vực, phối hợp với chính quyền địa phương nơi tổ chức phiên tòa, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn để bảo vệ phiên tòa.
3. Căn cứ kế hoạch, phương án chung đã được phê duyệt, các đơn vị được phân công tham gia phối hợp bảo vệ phiên tòa có kế hoạch và phương án cụ thể của đơn vị mình để thực hiện, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Theo đó, tại mỗi phiên tòa phải có ít nhất 02 cán bộ, chiến sĩ trở lên thực hiện bảo vệ phiên tòa. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế mà cơ quan chức năng có tiến hành bố trí lực lượng bảo vệ phiên tòa cho phù hợp.
Tại phiên tòa xét xử, cần bố trí tối thiểu bao nhiêu cán bộ công an làm công tác bảo vệ phiên tòa? (Hình từ Internet)
Gây rối trật tự tại phiên tòa có bị phạt tù hay không?
Tại khoản 139 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp như sau:
1. Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp;
b) Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này.
Căn cứ theo quy định hiện hành, đối với hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa thì có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tùy vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội.
Việc xử lý tình huống vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa được quy định như thế nào?
Tại Điều 12 Thông tư 13/2016/TT-BCA có quy định về việc xử lý tình huống vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa như sau:
1. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm buộc người vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ theo quyết định của Chủ tọa phiên tòa.
2. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy mời của Tòa án, các giấy tờ khác có liên quan. Không cho người tham gia phiên tòa mang đồ vật cấm vào phòng xử án, nếu phát hiện vật cấm phải thu giữ ngay và báo cáo Chủ tọa phiên tòa.
3. Trong phòng xử án, nếu xảy ra người có hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa mà Chủ tọa phiên tòa chưa phát hiện thì cán bộ, chiến sĩ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm ngăn chặn, trường hợp nghiêm trọng phải kịp thời báo cáo Chủ tọa phiên tòa.
4. Trường hợp xảy ra tình huống phức tạp, gây mất trật tự đến phiên tòa thì chỉ huy bảo vệ phiên tòa phải xử lý tình huống theo phương án đã được phê duyệt, kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền.
Theo đó, trong trường hợp tại phiên tòa xét xử xảy ra tình huống vi phạm trật tự thì phương án xử lý sẽ được thực hiện theo quy định trên.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân