Có thể thỏa thuận mức phí công chứng hay không?
Hai bên có thể thỏa thuận về mức phí công chứng được không?
Tại Điều 66 Luật Công chứng 2014 quy định phí công chứng:
1. Phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng.
Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.
2. Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định trên thì công chứng viên không được tự do thỏa thuận với bên thực hiện công chứng về mức phí công chứng các hợp đồng, giao dịch. Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Có thể thỏa thuận mức phí công chứng hay không? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào công chứng bằng đại học nước ngoài?
Trường hợp của bạn có thể thực hiện 2 thủ tục đó là chứng thực bản dịch hoặc công chứng bản dịch.
Thẩm quyền chứng thực bản dịch.
Theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực:
Thẩm quyền chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp); Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Thẩm quyền công chứng bản dịch.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 giải thích từ ngữ như sau:
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Công chứng bản dịch thuộc thẩm quyền của công chứng viên của văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng.
Lưu ý: Các giấy tờ của người nước ngoài cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự, sau đó dịch sang tiếng Việt và công chứng, chứng thực trước khi nộp.
Văn phòng công chứng có được cấp lại bản sao văn bản công chứng?
Tại khoản 2 Điều 64 Luật Công chứng 2014 quy định chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng:
Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; trường hợp lưu trữ ngoài trụ sở thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tư pháp.
Theo quy định trên thì bản công chứng và các giấy tờ trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất trong thời hạn 20 năm.
Và tại Điều 65 Luật Công chứng 2014 quy định cấp bản sao văn bản công chứng:
Cấp bản sao văn bản công chứng
- Việc cấp bản sao văn bản công chứng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
+ Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật này;
+ Theo yêu cầu của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.
- Việc cấp bản sao văn bản công chứng do tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ bản chính văn bản công chứng đó thực hiện.
Với trường hợp của bạn trước đó bạn đã thực hiện hợp đồng chuyển nhượng xe tại văn phòng công chứng. Nhưng nay bị mất thì bạn có quyền đến văn phòng công chứng đó để xin cấp lại bản sao của hợp đồng chuyển nhượng xe trước đó.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn