Điều khiển xe ô tô sử dụng đèn pha trong khu đô thị có bị xử phạt không?
Sử dụng đèn pha trong khu đô thị khi điều khiển xe ô tô có bị xử phạt không?
Đèn chiếu xa hay còn gọi là đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn và tầm nhìn cao hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa.
Căn cứ khoản 12 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
+ Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.
Tại khoản 3 Điều 17 Luật giao thông đường bộ 2008 cũng quy định xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Theo điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì sẽ phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư.
Đồng thời, theo điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Trong trường hợp này việc bạn điều khiển xe ô tô mà sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha) trong khu vực đô thị là vi phạm quy định về an toàn giao thông. Cho nên, việc bạn bị cảnh sát lập biên bản xử phạt như vậy là đúng quy định pháp luật, mức xử phạt đối với hành vi này như đã đề cập ở trên.
Điều khiển xe ô tô sử dụng đèn pha trong khu đô thị có bị xử phạt không?(Hình từ Internet)
Đèn xe hỏng khi đang đi đường có bị phạt không?
Căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 53 Luật giao thông đường bộ 2008 nêu rõ xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trong đó là phải có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu.
Như vậy, khi đi đường, bắt buộc người điều khiển phương tiện có nghĩa vụ bật đèn trong các trường hợp quy định. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, khoản 3, khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định không xử phạt trong trường hợp gặp sự kiện bất ngờ hoặc sự kiện bất khả kháng như sau:
- Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra;
- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trường hợp đèn xe bị hỏng trong thời gian phải bật đèn xe nhưng bạn điều khiển phương tiện giao thông không biết trước hoặc không thể biết thì không bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này không có nghĩa là đèn hỏng bạn tiếp tục được chạy mà khi phát hiện đèn xe bị hỏng không chiếu sáng được thì bạn cần cố gắng điều khiển xe đến nơi an toàn gần nhất và thực hiện các biện pháp hoặc cách thức để đảm bảo an toàn cho bạn và người khác khi tham gia giao thông.
Tự lắp đèn trợ sáng thì có bị giam bằng lái không?
Theo khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm các hành vi trong đó có:
Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Tại điểm e khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;"
Căn cứ quy định trên, trường hợp lắp thêm đèn trợ sáng không đúng tiêu chuẩn thiết kế của nhà sản xuất thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Đối với hành vi vi phạm này sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi